Vụ việc của ông Trịnh Văn Quyết đã có nhiều đồn đoán, với việc liên bộ Tài Chính và Bộ Công an lên đã lên tiếng, hy vọng vụ việc sẽ được xử lý nghiêm bị can và các đồng phạm, giúp trong sạch thị trường chứng khoán Việt Nam
Bộ Công an nói gì?
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Quyết để điều tra hành vi Thao túng thị trường chứng khoán theo điều 211, Bộ luật hình sự. Hành vi của ông Quyết xảy ra ngày 10/1/2022.
***UBCKNN lên tiếng về vụ việc ông Trịnh Văn Quyết***
Theo vụ việc, từ ngày 10/1, ông Trịnh Văn Quyết bất ngờ đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC, giá trị giao dịch dự kiến theo mệnh giá là 1.750 tỷ đồng. Thời gian giao dịch dự kiến từ 10/1 – 17/1. Mục đích được ông Quyết nêu là cơ cấu tài sản. Phương thức giao dịch thoả thuận hoặc khớp lệnh. Trước giao dịch ông Quyết nắm giữ 215 triệu cổ phiếu FLC tương ứng 30,34% vốn điều lệ doanh nghiệp.
Ngày 11/1, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE) ra thông báo huỷ bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10/1 theo chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Nguyên nhân hủy giao dịch do Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch.
Sau đó ông Quyết bị UBCKNN quyết định xử phạt 1,5 tỷ đồng cho hành vi trên và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán của ông trong vòng 5 tháng.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, hành vi trên đã “gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam”.
Cùng với quyết định tố tụng với ông Quyết, Cơ quan Cảnh sát điều tra còn khám xét 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan. Các quyết định, lệnh tố tụng của Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã được Viện KSND tối cao phê chuẩn theo quy định.
Bộ Tài chính: Sai đến đâu xử nghiêm đến đó
Theo đó, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan điều tra của Bộ Công an để cung cấp các thông tin liên quan thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ về ông Trịnh Văn Quyết, các cá nhân thuộc CTCP Tập đoàn FLC, CTCP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan.
***Chủ tịch bị bắt, Tập đoàn FLC nói gì?***
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra.
“Tinh thần chỉ đạo của Bộ Tài chính là thượng tôn pháp luật, thực hiện đúng quy định của pháp luật, sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm tới đó, giữ vững kỷ cương, kỷ luật và tính minh bạch của thị trường chứng khoán”, lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Uỷ ban chứng khoán: Nhà đầu tư đừng hoảng loạn
Trước sự việc trên, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến nghị các nhà đầu tư: “Nhà đầu tư nên bình tĩnh và không nên hoảng loạn. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực từ các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô và yếu tố nội tại tốt”. Nhìn chung các số liệu về vĩ mô của nên kinh tế vẫn rất tích cực, các định chế tài chính vẫn đánh giá đà tăng trưởng của Việt Nam rất cao trong năm nay
Ông Trịnh Văn Quyết đối diện khung hình phạt nào?
Theo khoản 3, Điều 12 Luật chứng khoán năm 2019, thao túng thị trường chứng khoán là một trong các hành vi bị cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Về chế tài xử lý, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội Thao túng thị trường chứng khoán, người nào thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng, gây thiệt hại cho nhà đầu tư 1-3 tỷ đồng, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Khung hình phạt sẽ cao hơn, phụ thuộc vào số tiền thiệt hại và thu lời bất chính. Người vi phạm sẽ đối mặt với hình phạt tối đa 7 năm nếu thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 3 tỷ đồng trở lên.
JM – ViMoney