Lỗ 201 tỷ USD “cuốn trôi” 9 năm thu nhập của hàng không toàn cầu

hàng không thế giới lỗ 201 tỷ USD

hàng không thế giới lỗ 201 tỷ USD

Việc hạn chế đi lại đè nặng lên “đôi cánh” của các hãng hàng không. Dự kiến, dịch Covid-19 có thể khiến ngành này tổn thất vượt mức 200 tỷ USD.

Ngành hàng không thiệt hại ròng tổng 201 tỷ USD

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) vừa có cuộc họp thường niên tại Boston (Mỹ). Theo số liệu của IATA, tổng thiệt hại ròng 201 tỷ USD trong thời kỳ đại dịch cuốn trôi 9 năm thu nhập của ngành hàng không.

Trong khi đó, du lịch tại Mỹ và khu vực Bắc Mỹ đã bắt đầu phục hồi. Mỹ đã sẵn sàng mở cửa cho du khách xuyên Đại Tây Dương vào tháng tới. Tuy nhiên, các thị trường đường dài khác vẫn trong tình trạng ảm đạm, đặc biệt là thị trường kết nối châu Á với châu Âu và Bắc Mỹ.

Tổng giám đốc IATA – Willie Walsh cho biết, mức độ khủng hoảng của COVID-19 với ngành hàng không là rất lớn.

Theo dự đoán của IATA, thiệt hại của ngành hàng không trong năm nay sẽ đạt mức 52 tỷ USD. Vào tháng 4, con số này là 48 tỷ USD. Năm ngoái, khoản lỗ của các hãng hàng không được điều chỉnh từ 126 tỷ USD lên khoảng 138 tỷ USD.

Theo IATA, các hãng hàng không châu Âu sẽ lỗ khoảng 9,2 tỷ USD. Trong đó, khu vực Trung Đông sẽ thâm hụt khoảng 4,6 tỷ USD do phụ thuộc nhiều vào các tuyến liên lục địa.

Trong số các khu vực toàn cầu, chỉ có các hãng vận tải Bắc Mỹ được dự báo sẽ có lãi trở lại vào năm tới, với gần 10 tỷ USD thu nhập ròng.

Lưu lượng hành khách dự kiến sẽ đạt 40% mức trước đại dịch trong năm nay và tăng lên 61% vào năm 2022. Để hỗ trợ sự phục hồi, Walsh kêu gọi cách chính phủ đơn giản hóa các hạn chế đi lại và cho phép những du khách tiêm vaccine di chuyển tự do giữa các quốc gia.

Nhiều hãng hàng không “khóc ròng”

Trước đó, ngày 30/7, IAG – Chủ sở hữu các hãng hàng không British Airways và Iberia trong một thông báo cho hay, trong thời gian 6 tháng tính đến tháng 6/2021, tập đoàn này đã chịu mức lỗ sau thuế khoảng 2 tỷ euro (2,4 tỷ USD), giảm một nửa so với mức lỗ ròng 3,8 tỷ euro trong cùng kỳ năm ngoái, khi đại dịch bùng phát và ảnh hưởng đến hoạt động đi lại.

Doanh thu của IAG vẫn bị suy giảm nghiêm trọng do đại dịch, giảm 60% xuống mức 2,2 tỷ euro.

Hay tập đoàn hàng không Pháp-Hà Lan Air France-KLM cho biết đã lỗ ròng 1,5 tỷ euro (1,8 tỷ USD) trong thời gian từ tháng 4-6/2021, thấp hơn so với mức lỗ 2,6 tỷ euro trong cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, Theo Giám đốc điều hành Air France-KLM Benjamin Smith, nhờ việc nới lỏng các hạn chế đi lại ở một số khu vực quan trọng, quý 2/2021 đã chứng kiến những dấu hiệu đầu tiên của sự phục hồi

Doanh thu quý 2 của hãng này tăng gấp hơn 2 lần lên 2,75 tỷ euro so với mức 1,2 tỷ euro khi lượng hành khách tăng mạnh lên 5,85 triệu lượt so với 1,13 triệu lượt trong cùng kỳ năm trước.

Tại Nhật Bản, Tập đoàn hàng không lớn nhất nước này ANA Holdings Inc. ngày 30/7 báo cáo lỗ ròng 51,16 tỷ yen (470 triệu USD) trong quý từ tháng 4-6/2021 do nhu cầu đi lại vẫn ảm đạm giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Điểm sáng vận tải hàng hoá hàng không

Tuy nhiên, vận tải hàng hóa qua đường hàng không lại được đánh giá là một điểm sáng.

Trong bối cảnh lượng hàng hóa tăng vọt từ sự hồi phục toàn cầu và chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến, nhu cầu vận tải hàng không trong năm nay dự kiến tăng hơn 8% so với năm 2019, và sẽ tăng 13% năm 2022.

Tổng giám đốc IATA cho biết, các hãng hàng không sẽ tiếp tục cần các biện pháp hỗ trợ tiền lương từ chính phủ cho đến khi du lịch quốc tế phục hồi trên quy mô lớn.

Các hãng hàng không được dự báo sẽ tăng công suất nhanh hơn so với sự phục hồi của lưu lượng đi lại, điều này có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ lấp đầy. Hệ số tải hành khách trung bình dự kiến khoảng 67% trong năm nay, sẽ tăng lên khoảng 75% vào năm 2022. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với mức kỷ lục được thiết lập vào năm 2019 là 83%.

IATA đại diện cho 290 hãng hàng không, chiếm 82% lưu lượng hàng không toàn cầu, tuy nhiên lại không bao gồm một số hãng hàng không giá rẻ – nằm trong số những hãng phục hồi nhanh nhất sau cuộc khủng hoảng COVID-19.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version