Cơ quan chức năng đã xác định được các ông trùm đòi nợ thuê, chuyên thu mua lại hợp đồng vay tiền của khách và thực hiện đòi tiền.
Trần Hồng Tiến cầm đầu, thu mua lại hơn 335.000 hợp đồng vay tiền của khách
Trong một diễn biến mới nhất. Công an Hà Nội vừa ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ hình sự 31 nghi phạm nhằm điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản do liên quan đến hoạt động đòi nợ thuê cho các ngân hàng, công ty tài chính.
Trước đó, Phòng trọng án của Cục Cảnh sát hình sự (C02 – Bộ Công an) ngày 20/2 đã phối hợp với Công an Hà Nội, Công an TP.HCM, triệt phá 2 băng nhóm tội phạm có tổ chức, núp bóng nhiều công ty khác nhau, chuyên đòi nợ bằng các thủ đoạn cực đoan.
Ở nhóm thứ nhất, theo xác định của Công an Hà Nội, Trần Hồng Tiến (SN 1974, trú quận 1, TP.HCM) là người điều hành. Nhóm này đã thành lập 7 công ty, thuê hơn 100 người với nhiều bộ phận khác nhau, nhận thu nợ cho các công ty có nhu cầu.
Ngoài bộ phận nhân sự, kế toán, dữ liệu thông tin khách hàng, công ty còn thành lập đội kỹ thuật, trưởng phòng là Phạm Văn Sơn (SN 1987) và bộ phận thu hồi nợ do Nguyễn Đức Khoa (SN 1992) làm phó phòng, quản lý 103 nhân viên. Nhóm của Khoa có nhiệm vụ gọi điện thoại theo thông tin data khách hàng được cấp để đòi tiền.
Nhân viên truy thu được cấp mỗi tháng 500 hợp đồng để đòi nợ khách. Định mức của mỗi nhóm là 300 triệu/tháng, nếu 2 tháng liên tiếp không đòi đủ định mức nhân viên bị sa thải.
Theo thông tin từ Cục Cảnh sát hình sự, các khoản nợ khó đòi mà khách hàng vay của Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam (địa chỉ tại quận 1, TP.HCM) và một số tổ chức tín dụng khác đã được công ty đòi nợ mua lại với giá bằng 12-15% giá trị của tổng số tiền khách nợ.
Sau đó, bộ phận vận hành cập nhật các thông tin khoản vay của khách hàng vào hệ thống của công ty. Nhân viên từ đó dùng nhiều số điện thoại, liên tục dùng các thủ đoạn như: Chửi bới, khủng bố, đe dọa người thân, đồng nghiệp của khách hàng; cắt ghép hình ảnh khách hàng, người thân vào các hình ảnh đồi trụy đăng lên mạng xã hội…
Liên quan đến vụ việc, khi thực hiện khám xét tại TP HCM, công an đã triệu tập 102 người liên quan, thu giữ gần 600 triệu đồng, 101 máy tính, 216 điện thoại cùng nhiều thùng tài liệu liên quan. Các công ty đòi nợ do Trần Hồng Tiến cầm đầu từ ngày 2/7/2018 đến hết năm 2022 đã thu mua lại hơn 335.000 hợp đồng vay tiền của khách, tổng dư nợ trên 3.000 tỷ đồng.
Công ty luật TNHH Pháp Việt nhận đòi nợ thuê, hưởng 30% số tiền đòi được
Ở nhóm thứ 2 Trần Văn Châu (43 tuổi) và Hồ Quốc Hùng (36 tuổi, đều là Phó giám đốc Công ty luật TNHH Pháp Việt) được xác đinh là người cầm đầu.
Trụ sở chính của công ty là ở quận Tân Bình, TP.HCM. Theo xác định của cơ quan công an xác, Châu và Hùng trực tiếp điều hành công ty. Những người này đã thuê Lê Thị Tuyết (SN 1985) đứng tên làm giám đốc.
Công ty Luật Pháp Việt bị cáo buộc nhận đòi nợ thuê cho Ngân hàng Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và một số công ty tài chính như MCredit, Shinhan Việt Nam. Mỗi tháng, công ty trung bình đòi nợ được 15-20 tỷ đồng, được hưởng 30% tổng số tiền đòi được.
Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố, bắt tạm giam Trần Văn Châu, Hồ Quốc Hùng và 3 người khác vào ngày 23/2 về tội Cưỡng đoạt tài sản. Chưa hết, cơ quan điều tra cũng đang làm việc hơn 130 người liên quan khác, thu giữ 190 CPU máy tính để bàn, laptop cùng nhiều tài liệu lưu trữ khác.