Cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN) bị kiểm soát vì lỗ gần 18.000 tỷ đồng

Cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN) bị kiểm soát vì lỗ gần 18.000 tỷ đồng

Cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN) bị kiểm soát vì lỗ gần 18.000 tỷ đồng

Cổ phiếu hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 3/11.

Cổ phiếu HVN chỉ được giao dịch trong phiên chiều

Quyết định này vừa được Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) công bố. Theo đó, cổ phiếu hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (HVN) bị giới hạn, chỉ được phép giao dịch trong phiên chiều.

Cổ phiếu hãng hàng không quốc gia bị kiểm soát và hạn chế giao dịch xuất phát là do Vietnam Airlines ghi nhận lỗ ròng (lỗ thuộc về công ty mẹ) 8.458 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Lỗ lũy kế tính tới ngày 30/6 là 17.808 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp.

Theo lãnh đạo HSX, việc HVN có được giao dịch toàn thời gian trở lại dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát hay không sẽ căn cứ vào giải trình mà Vietnam Airlines đưa ra trong thời gian sắp tới.

Cổ phiếu HVN trong phiên sáng nay giảm 2,34% xuống còn 25,050 nghìn đồng/ cổ phiếu.

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp ngày 26/9, Vietnam Airlines đã kiến nghị Chính phủ cho phép xem xét doanh nghiệp này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên HSX trong giai đoạn ngắn có thể bị âm vốn chủ sở hữu.

Không những vậy, hãng hàng không quốc gia cũng kiến nghị Chính phủ cho chủ trương xây dựng gói giải pháp hỗ trợ tiếp theo cho doanh nghiệp này cùng với đề án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines.

Trong phiên 27/10, VN-Index vượt đỉnh lịch sử sau thời gian dài trầy trật. Thế nhưng, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vẫn giảm 0,58% còn 25.650 đồng. Tuy nhiên, nhờ đà tăng tích cực trong tháng 9, HVN vẫn đạt được mức tăng hơn 36% tính trong một quý giao dịch trở lại đây.

Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kinh doanh của Vietnam Airlines

Tại bản báo cáo tài chính bán niên soát xét, kiểm toán viên tỏ rõ vẻ lo ngại về việc bệnh Covid-19 đang tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines.

Phía Deloitte cho rằng, khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty sẽ phụ thuộc và sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam, việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại cũng như các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê cũng như diễn biến của dịch Covid-19.

Về nợ ngắn hạn, tính đến giữa năm nay, Vietnam Airlines đã nợ vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 34.664 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản phải trả quá hạn là 14.805 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm gần 2.800 tỷ đồng.

Hồi cuối tháng 9, Vietnam Airlines thông báo phát hành thành công gần 800 triệu cổ phiếu. Sau khi hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu này, vốn điều lệ của Vietnam Airlines tăng lên 22.143 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD. Các cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu tương ứng là Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (55,20%), Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (31,14%) và Tập đoàn ANA (5,62%).

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng trong bối cảnh các địa phương dần kiểm soát tốt dịch bệnh, các chuyến bay nội địa bắt đầu được nối lại, Vietnam Airlines tin tưởng thị trường sẽ sớm phục hồi giúp các hãng từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version