Cuộc khủng hoảng năng lượng thậm chí đang lan đến lò hỏa táng ở Đức

Nếu Nga cắt hẳn nguồn cung năng lượng, ngành tang lễ của Đức sẽ “buồn” trong mùa đông này. Các nhà hỏa táng ở Đức buộc phải ngừng hoạt động một số lò thiêu, chỉ một số lò tiếp tục được đốt nóng.

Lò hoả táng ở Đức có thể phải ngừng hoạt động vì thiếu khí đốt

Trong cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có như hiện nay, nhiều ngành công nghiệp sử dụng lượng lớn năng lượng ở Đức đang phải đối mặt với những khó khăn chồng chất. Ngành công nghiệp tang lễ của Đức đã cảnh báo rằng khí đốt tự nhiên đang cạn kiệt và nhiều lò hỏa táng có khả năng phải dừng hoạt động.

Ngày 3/8, Svend Joerk Sobolewski, chủ tịch liên doanh hỏa táng của Đức, nói rằng tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên sẽ có tác động rất lớn đến ngành công nghiệp tang lễ. Hiện tại, các lò hỏa táng đang lên kế hoạch đối phó với giá khí đốt tự nhiên cao và dự phòng rủi ro thiếu hụt.

“Chúng tôi có thể tắt lò, nhưng không thể tắt được cái chết”, Svend-Joerk Sobolewski bày tỏ nỗi lo âu trước nguy cơ tập đoàn Gazprom của Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt tới nước này.

Tuần trước, công ty năng lượng Gazprom cắt giảm lượng khí đốt chuyển tới châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương bắc) còn khoảng 1/5 tổng công suất, giá khí đốt tự nhiên tăng mạnh.

Theo Hiệp hội Nhà tang lễ Đức, mỗi năm có 1 triệu người Đức chết, và khoảng 75% trong số đó được hỏa táng. Đức có tỷ lệ hỏa táng cao nhất so với các nước châu Âu khác. Ông Stephan Neuser, người đứng đầu hiệp hội, cho biết giải pháp tức thời nhất sẽ là giảm nhiệt độ lò trung bình từ 850 độ C hiện tại (1.562 độ F) xuống 750 độ C (1.382 độ F), tiết kiệm 10-20% lượng khí đốt sử dụng, song cần có giấy phép đặc biệt từ các cơ quan có thẩm quyền của từng bang.

Các cơ sở này cũng đang tắt một số lò, để những lò khác hoạt động liên tục, nhằm tiết kiệm lượng khí đốt để làm nóng lò ban đầu. Theo các chuyên gia, về lâu dài, Đức có thể sử dụng điện để thay thế, nhưng biện pháp này không thể thực hiện trong một sớm một chiều.

“Trong trường hợp xảy ra sự cố về khí đốt, chúng tôi vẫn có thể tiếp tục vận hành các lò hỏa táng còn nóng. Điều đó có nghĩa là chúng tôi vẫn có thể hoạt động khi nguồn cung giảm”, Karl-Heinz Koensgen, người quản lý lò hỏa táng ở Dachsenhausen, miền Tây của Đức, cho biết.

Lạm phát ở Đức đã tăng vọt trong tháng 7, tăng lên 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 8,2% vào tháng 6. Giá lương thực tăng cao và giá năng lượng tăng cao tiếp tục ảnh hưởng đến đất nước. Lạm phát của Đức có thể vượt quá 10% vào cuối năm nay nếu nguồn cung cấp khí đốt từ Nga bị cắt – theo Christian Sewing, giám đốc ngân hàng Deutsche Bank.

Khoảng một nửa số hộ gia đình ở Đức dựa vào khí đốt để cung cấp điện và sưởi ấm, và khoảng 1/3 năng lượng cho ngành công nghiệp của Đức là từ khí đốt. Nếu mùa đông tới trở nên lạnh hơn, việc nguồn cung khí đốt bị cắt được dự báo sẽ gây tác động rất nghiêm trọng tới nền kinh tế và các hoạt động xã hội của Đức.

Exit mobile version