Giới nhà giàu Nga lo ngại lệnh trừng phạt đe dọa đến tài sản của họ bèn tìm cách tháo chạy tiền sang Dubai.
Nỗi lo sợ mang tên “lệnh trừng phạt”
Mỹ và EU cứng rắn với Nga trên mặt trận kinh tế bằng các lệnh trừng phạt nặng nề đánh vào xứ sở Bạch dương. Nga bị cô lập khỏi nền tài chính thương mại toàn cầu là một thách thức lớn đối với Tổng thống Vladimir Putin.
Lo ngại phương Tây ngày một kiên quyết, giới đại gia Nga đang được cho là tìm cách tẩu tán tài sản từ châu Âu (Thụy Sĩ, London) sang Dubai để tránh làn sóng trừng phạt.
Trong nhiều năm trở lại đây, UAE là đối tác chiến lược của Nga.
UAE cũng bỏ phiếu trắng trong Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án Nga tấn công Ukraine do Mỹ soạn thảo, từ chối việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Điều này đồng nghĩa với việc nguồn tiền và tài sản của người Nga ở đất nước này được đảm bảo an toàn.
Dubai từ trước đến nay được biết đến là trung tâm tài chính và kinh doanh tự do không chịu bất kỳ sự ảnh hưởng nào từ phía các cơ quan quản lý phương Tây. Nơi đây chính là 1 thỏi nam hấp dẫn giới siêu giàu toàn cầu.
Năm 2018, UAE mở rộng thị thực 10 năm cho phép các nhà đầu tư, chuyên gia, sinh viên có thành tích cao trên thế giới được phép định cư.
Hàng trăm triệu USD “tháo chạy”
Một luật sư giấu tên có trụ sở làm việc tại Dubai cho hay, công ty của họ đã nhận được nhiều lời gọi từ phía các khách hàng giàu có. Câu hỏi mà khách hàng thường đặt ra là: “Làm cách nào để có thể chuyển hàng trăm triệu USD từ châu Âu về Dubai trong thời gian nhanh nhất”.
Trước luồng thông tin này, đại diện Bộ Ngoại giao UAE và Ngân hàng Trung ương không đưa ra bất kỳ phản hồi nào.
Một nguồn tin tài chính khác cho hay, người Nga đang loay hoay trong nền kinh tế suy yếu – giá trị đồng ruble sụt giảm hơn 40% giá trị, người dân đang tìm cách tích trữ vàng, bất động sản và đầu tư vào các quỹ ẩn danh.
Một số cá nhân khác tại Nga chọn cách mua hàng hiệu xa xỉ, đồng hồ, trang sức để bảo vệ tài sản. Tại thị trường thứ cấp, các mặt hàng hiệu có thể trao đổi giao dịch với giá trị cao gấp 3-4 làn giá trị thực vốn có.
Tuy nhiên, một số ngân hàng lớn của UAE khá thận trọng bởi nỗi lo “tuýt còi” vì không tuân thủ các lệnh trừng phạt. Lực lượng FATF đã đưa UAE vào “grey list” (danh sách xám) nhằm tăng cường giám sát, giải quyết những hạn chế chiến lược trong việc chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hạt nhân.
- FAFT: Tổ chức giám sát tài chính khủng bố và rửa tiền toàn cầu
Một nguồn tin thân cận cho hay, tại các ngân hàng Nga, tiền điện tử không được chấp nhận mặc dù các cá nhân có thể thực hiện ký gửi.
Ngành công nghiệp tài sản tại UAE vẫn còn non trẻ để có thể “hấp thu” một lượng lớn dòng tiền tài sản từ các ngân hàng châu Âu dồn về (bao gồm quản lý đầu tư hay dịch vụ bảo vệ vốn).
Zoe (Nguồn Reuters)