Sau giãn cách xã hội, thị trường mặt bằng kinh doanh tại Hà Nội được kỳ vọng sẽ sôi động trở lại. Tuy nhiên những ngày gần đây, hình ảnh dễ bắt gặp ở những tuyến phố sầm uất bậc nhất, nơi được coi như “đất vàng” của thủ đô, lại là chằng chịt biển cho thuê, sang nhượng cửa hàng.
Từ đầu tháng 10, khi Hà Nội trở lại “trạng thái bình thường mới”, nhiều hoạt động kinh doanh, cửa hàng buôn bán đã được phép mở cửa. Tưởng chừng đây là cơ hội để người dân thủ đô phục hồi kinh tế sau những “đòn đau” mà Covid-19 mang lại, tuy nhiên, trái ngược với bức tranh nhộn nhịp thường thấy tại các tuyến phố được mệnh danh là “đất vàng” của Hà Nội, hàng loạt cửa hàng dọc các tuyến phố vẫn trong trạng thái cửa đóng then cài, treo biển chằng chịt sang nhượng hoặc cho thuê.
Mặc dù mức giá cho thuê theo ghi nhận đã giảm đáng kể so với trước dịch, nhưng chủ nhà tìm “mỏi mắt” vẫn không thấy người thuê. Xuyên suốt thời gian từ trước đó đến bây giờ, mức giá cho thuê đã được chủ nhà giảm từ 30 – 40%, thậm chí một số người chấp nhận hỗ trợ giá rẻ đến hết năm, nhưng tình hình vẫn không khả quan. Giai đoạn trước khi dịch bệnh kéo đến, đây đều là những mặt bằng nằm ở khu vực đất vàng, thuận lợi cho việc kinh doanh.
Chi phí thuê mặt bằng trong kinh doanh là yếu tố rất quan trọng, thậm chí là “sống còn” đối với những hộ kinh doanh nhỏ. Trong khi với tình hình hiện nay, sức mua trên thị trường vẫn chưa thể phục hồi trạng thái như trước, dịch bệnh khiến nhiều cửa hàng bắt buộc phải sang nhượng và trả lại mặt bằng.
Cùng thời điểm này những năm trước, trên những con phố kinh doanh sôi động bậc nhất Hà Thành như phố Hàng Ngang, Hàng Đào, xe cộ, người mua kẻ bán tấp nập, không khí giao thương nhộn nhịp. Tuy nhiên, bức tranh sầm uất đó giờ chỉ còn là khu phố tĩnh lặng, cửa đóng im lìm, chằng chịt biển hiệu: “Trả mặt bằng”, “Cho thuê cửa hàng”, “Sang nhượng cửa hàng”, “Cho thuê cả nhà”,….
Ông Nguyễn Anh Tuấn,, một người dân tại quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, chia sẻ:
“Ở đây mặt bằng rất đắt, bây giờ có giảm đi 30 – 40% hay 50% người ta cũng trả hết, không bán được vì không có khách. Giờ tôi ở đây 30 năm thì tôi mới trụ lại được, chứ không chắc là tôi cũng về quê lâu rồi”.
Bà Vũ Thị Tuyết, trú tại quận Hoàn Kiếm cũng cho biết:
“Người ta thuê được 1 – 2 tháng rồi người ta trả lại không thuê nữa. Mấy nhà liền đây, người ta đều trả. Nhà trên kia cho thuê 80 triệu người ta cũng trả”.
Theo chia sẻ của một số người dân khác, phần lớn các cửa hàng còn trụ lại là của chủ nhà tự kinh doanh, nên họ không phải mất thêm chi phí thuê mặt bằng, hoặc là những cửa hàng lớn đã kinh doanh lâu đời.
Theo Savills Việt Nam, tác động từ các đợt giãn cách xã hội kéo dài đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng, thúc đẩy quá trình tham gia vào thương mại điện tử của nhiều khách hàng thay vì đi thuê mặt bằng. Nhu cầu giảm trong khi nguồn cung dư thừa đã đẩy mặt bằng kinh doanh tại nhiều mặt phố trở thành phân khúc khó khăn bậc nhất của thị trường bất động sản.