Với việc mua thêm cổ phần của Lộc Nhân, tập đoàn Lộc Trời đã đưa doanh nghiệp lúa gạo này vào hệ sinh thái của mình.
Lộc Nhân trở thành thành viên trong hệ sinh thái của tập đoàn Lộc Trời
Theo thông báo của Công ty cổ phần Nông sản Lộc Trời, doanh nghiệp này đã thực hiện các thỏa thuận mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược tại Công ty Cổ phần Lương thực Lộc Nhân. Như vậy, công ty này sẽ trở thành thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn Lộc Trời.
Lộc Nhân là doanh nghiệp lúa gạo lớn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nắm trong tay 3 nhà máy, tổng công suất sấy lên tới hơn 6.000 tấn lúa/ngày. Vùng nguyên liệu của doanh nghiệp này là trên 1 triệu ha. Theo dự kiến, quy mô doanh thu năm nay là gần 8.000 tỷ đồng.
Chia sẻ của lãnh đạo tập đoàn Lộc Trời cho thấy, việc tập đoàn đầu tư vào Lộc Nhân là bởi có nhiều nét tương đồng về kinh doanh lúa gạo. Tập đoàn nhờ đó mở rộng quy mô sản xuất, phát triển hạ nguồn chuỗi cung ứng lúa gạo chất lượng cao cho nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.
Như vậy, Lộc Trời đã tăng quy mô hoạt động từ 5 lên 8 nhà máy, tổng công suất sấy lúa tươi đạt 12.000 tấn/ngày (tăng gấp đôi), khả năng xuất bán lên tới 2 triệu tấn gạo/năm ở thị trường trong nước và quốc tế, sau khi kết nạp thêm thành viên mới.
Ngay sau khi rót vốn vào Lộc Nhân, 2 doanh nghiệp này cũng ký kết hợp tác cung ứng 500.000 tấn gạo cho Vinafood1 – Tổng công ty Lương thực miền Bắc. Giá trị hợp đồng khoảng 5.000 tỷ đồng, đảm bảo đầu ra ổn định trong năm 2023.
Lộc Trời năm qua kinh doanh ra sao?
Hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm của Tập đoàn Lộc Trời theo báo cáo ghi nhận, doanh thu thuần đạt trên 8.600 tỷ đồng, tăng trưởng 21%, phần lớn đến từ mảng lương thực với quy mô tổng tài sản là hơn 9.500 tỷ đồng.
Mới đây nhất, đại gia ngành nông nghiệp ký thêm hợp đồng cấp tín dụng hợp vốn với 7 ngân hàng lớn. Tổng hạn mức của nó là 100 triệu USD trong 3 năm. Tập đoàn dùng số tiền này để bổ sung nguồn vốn lưu động trong các hoạt động đầu tư sản xuất lúa chất lượng cao
Ngoài ra, doanh nghiệp Lộc Trời hồi đầu năm cũng ký hợp đồng tài trợ vốn 12.000 tỷ đồng với các ngân hàng trong nước nhằm thực hiện đơn hàng 2 triệu tấn lúa. Gói vay vốn này đã giải ngân gần hết, phần còn lại bị hạn chế nguyên nhân là bởi ảnh hưởng của việc siết tín dụng.