Lời kêu cứu của cha đẻ giống gạo ST25

Lời kêu cứu của cha đẻ giống gạo ST25

Tác giả chính của gạo ST25, ST24 đã gửi đơn đến Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị hỗ trợ bảo vệ thương hiệu giống lúa và gạo này.

Nỗi lòng của cha đẻ giống gạo ST25

Gạo ST25 giành giải gạo ngon nhất thế giới trong cuộc thi gạo ngon nhất thế giới diễn ra ở Philippines vào năm 2019. Năm 2020, dù không còn là “quán quân”, gạo ST25 vẫn giành được giải nhì của cuộc thi. Cha đẻ của giống gạo này là ông Hồ Quang Cua. Ông cũng là tác giả của giống gạo ST24.

Tuy nhiên, tình trạng gạo ST25 bị giả mạo nhãn hiệu trên thị trường khiến cho hoạt động kinh doanh của gia đình ông bị ảnh hưởng rất lớn. Con trai của kỹ sư Hồ Quang Cua là ông Hồ Quang Trí xác nhận, gia đình đã gửi đơn và hồ sơ đề nghị Tổng cục Quản lý thị trường vào cuộc bảo vệ thương hiệu.

Theo chia sẻ của ông Trí, việc các đơn vị kinh doanh khác giả mạo nhãn hiệu gạo ST25 đã xảy ra nhiều lần. Họ thậm chí còn dùng cả tên doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí cùng địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp để in lên túi. Việc này khiến ông Trí vô cùng bức xúc bởi không ít khách hàng khi mua phải gạo giả đã gọi điện quở trách doanh nghiệp này.

Doanh nghiệp này tìm mọi cách thay đổi bao bì để ngăn chặn hàng giả nhưng các đối tượng vẫn có thể làm giả một cách tinh vi và nhanh chóng.

Doanh nghiệp của gia đình ông Trí phải làm tem số nhảy để khách hàng có thể phân biệt gạo ST25 thật với giả. Theo đó, mỗi túi gạo đều có một con tem. Người mua có thể cào lớp phủ bên ngoài của con tem để truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại. Nếu xuất hiện thông tin thì đó là gạo ST25 thật. Mỗi tem chỉ truy xuất được 1 lần duy nhất nên các cơ sở khác không thể làm giả.

Tổng cục Quản lý thị trường vào cuộc

Ngày 22/12, phía Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết đã nhận được đơn yêu cầu hỗ trợ bảo vệ thương hiệu giống lúa và gạo ST24, ST25 của gia đình ông Hồ Quang Cua.

Về vấn đề này, Tổng cục đã có văn bản chỉ đạo Cục QLTT tại các tỉnh và thành phố trực thuộc tiến hành rà soát, thẩm tra, xác minh nội dung mà doanh nghiệp phản ánh đối với các cơ sở bị cho là có vi phạm trên địa bàn mình quản lý.

Cha đẻ của giống gạo ST25 – ông Hồ Quang Cua.

Trong đó, Cục QLTT các tỉnh, thành phố đặc biệt lưu ý những hành vi xâm phạm nhãn hiệu, gian lận nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, tem, bao bì, nhãn hàng hóa… để kiểm tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Đối với hành vi xâm phạm quyền về giống cây trồng, Tổng cục Quản lý thị trường cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường tại các tỉnh, thành phố khi được đề nghị sẽ phối hợp với Bộ/Sở NNN&PTNT tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Theo khuyến cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, chủ động tìm hiểu quy định pháp luật là điều mà doanh nghiệp cần phải làm, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để được hỗ trợ, bảo vệ thương hiệu trong và ngoài nước. Trong đó, cần lưu ý việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần tìm hiểu các quy định và không tiếp tay cho các hành vi sai trái như xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version