Xuất khẩu gỗ giảm tháng tháng 3 liên tiếp, đơn hàng vào Mỹ có xu hướng giảm
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 7 đạt 1,3 tỷ USD, giảm 7,1% so với tháng trước và tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 9,7 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 7 tỷ USD, giảm 7,5%.
Nguyên nhân một phần là do xuất khẩu gỗ sang Mỹ gặp khó. Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu gỗ lớn của Việt Nam, đặc biệt, các năm gần đây, tận dụng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, Việt Nam càng đẩy mạnh xuất sang thị trường hấp dẫn này. Trong 7 tháng đầu năm 2022, top 5 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lần lượt gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada. Trong đó, Mỹ đạt 5,6 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 58% tổng kim ngạch.
Theo dự báo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC), triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ trong nửa cuối năm không khả quan, số đơn hàng đang có xu hướng giảm. Việc Mỹ gia tăng điều tra phòng vệ thương mại khiến việc xuất khẩu gỗ sang thị trường này gặp khó. Đồng thời, lạm phát tăng cao ở Mỹ đang tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành gỗ. Trong đó, nhóm đồ nội thất bằng gỗ – nhóm xuất khẩu chính của Việt Nam bị ảnh hưởng lớn nhất.
Vào giữa tháng 6, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với tủ gỗ có xuất xứ từ Việt Nam, Malaysia. Trước đó, Mỹ cũng điều tra chống lẩn tránh sản phẩm gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam.
Lợi nhuận nửa đầu năm tăng trưởng
Trong nửa đầu năm, thị trường xuất khẩu tốt, đặc biệt là quý I, cùng nhu cầu hồi phục sau dịch bệnh. Hầu hết các doanh nghiệp gỗ đều báo cáo lợi nhuận tăng trưởng.
Gỗ An Cường ( UPCoM: ACG ) công bố doanh thu thuần nửa đầu năm đạt 1.915 tỷ đồng, tăng 12%; doanh thu xuất khẩu đạt 307 tỷ đồng, tỷ trọng 16%. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 279 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Công ty gỗ thực hiện được 45% mục tiêu doanh thu và 51% mục tiêu lợi nhuận năm.
Doanh nghiệp cho biết dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát tốt, đơn vị đã đẩy mạnh hoạt động bán hàng để tăng doanh thu. Cùng với đó, Gỗ An Cường thực hiện các giải pháp tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kiểm soát tốt chi phí và gia tăng lợi nhuận tài chính giúp lợi nhuận ròng tăng cao hơn doanh thu.
Tại hội thảo KB Connect ngày 25/8, ông Trần Lương Thanh Tùng, Thành viên HĐQT Gỗ An Cường – đơn vị chuyên sản xuất gỗ gia dụng, hàng trang trí nội thất, gỗ dán, gỗ lạng, ván ép – đánh giá về mặt dài hạn thị trường Mỹ vẫn khả quan, song lạm phát khiến tiêu thụ chậm lại trong ngắn hạn và có thể kéo dài từ 3 đến 6 tháng.
Gỗ An Cường có chiến lược đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, trong đó Mỹ là thị trường chính. Doanh thu xuất khẩu chỉ chiếm 6% vào năm 2018 đã tăng lên 15% vào năm 2021. Công ty đặt mục tiêu đến 2025, tỷ trọng xuất khẩu đạt 15-18% tổng doanh thu.
Vào đầu tháng 7, doanh nghiệp đã ký hợp đồng với Sumitomo Forestry Mỹ, theo thỏa thuận từ 2022, An Cường trở thành đơn vị cung cấp sản phẩm nội thất cho tất cả dự án phát triển nhà ở tại thị trường Mỹ của Sumitomo Forestry Mỹ. An Cường kỳ vọng với đơn hàng này sẽ đẩy nhanh công suất về mức tối đa tại nhà máy Đất Cuốc, gia tăng nguồn thu xuất khẩu thêm 50 triệu USD vào 2025.
Về thị trường trong nước, ông Tùng cho biết tình hình tiêu thụ khả quan và kỳ vọng tiếp tục duy trì nhờ thị trường bất động sản phục hồi nửa cuối năm.
Gỗ Đức Thành ( HoSE: GDT ) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng nửa đầu năm nhờ dịch bệnh được kiểm soát và việc cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư máy móc hiện đại giúp tiết kiệm được chi phí nguyên liệu, nhân công. Doanh thu thuần đạt 238 tỷ đồng, tăng 11%; lãi sau thuế 44,6 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Gỗ Trường Thành ( HoSE: TTF ) báo cáo doanh thu tăng 55% lên 1.159 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tăng 39% lên 149,5 tỷ đồng. Song, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh khiến lỗ thuần hoạt động kinh doanh 7 tỷ đồng. Lợi nhuận khác 14,5 tỷ đồng giúp công ty gỗ có lãi ròng 8,4 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.
Trong quý I, doanh nghiệp có lãi và biên lợi nhuận gộp cải thiện nhưng sang quý II lỗ và biên lợi nhuận gộp giảm. Công ty cho biết chịu ảnh hưởng dịch bệnh, chuỗi cung cứng toàn cầu gián đoạn khiến chi phí nguyên vật liệu gỗ và vận chuyển tăng cao, thiếu hụt container làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu. Mặt khác, ảnh hưởng xuông đột Nga – Ukraine, lạm phát tăng cao ở Mỹ và châu Âu có tác động không tốt đến hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ. Ngoài ra, trong quý II, công ty đã đẩy mạnh thanh lý nguyên vật liệu gỗ tồn đọng lâu năm, không còn phù hợp với các dòng sản phẩm đang kinh doanh.
Tương tự các doanh nghiệp gỗ khác, Gỗ Trường Thành cũng đang đẩy mạnh mảng xuất khẩu, tích cực nâng cao hợp đồng dài hạn, tập trung chủ lực vào thị trường Mỹ, Ý, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản… Đặc biệt, doanh nghiệp có nhà máy tủ bếp diện tích 20.000 m2, có khả năng sản xuất 90 container tủ bếp đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ mỗi tháng.
Tính đến cuối quý II, doanh nghiệp vẫn còn khoản lỗ lũy kế 3.044 tỷ đồng. Ban lãnh đạo Gỗ Trường Thành cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh mảng xuất khẩu, tăng cường hợp tác với nhà phát triển bất động sản trong nước như Vingroup, Sungroup, Vạn Thịnh Phát cũng như nước ngoài như Capitalland, Gamuda… Cùng với đó, công ty nâng công suất sản xuất dự kiến của tất cả nhà máy tại Bình Dương từ doanh 100 tỷ/tháng lên 140 tỷ/tháng để đáp ứng nhu cầu tăng cao của đơn hàng trong năm và các năm tới. Doanh nghiệp thuê lại nhà máy ván MDF/PB tại Bình Dương công suất 90.000 m3 MDF và 50.000 m3/tháng để mang lại lợi thế tự chủ nguồn nguyên liệu.
Nhìn chung, nửa cuối năm, thị trường xuất khẩu gặp khó nhưng thị trường trong nước kỳ vọng phục hồi tốt do cùng kỳ năm trước là thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh ở khu vực miền Nam, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gỗ khá xấu do không đảm bảo duy trì 100% công suất hoạt động. Như Gỗ Đức Thành phải tạm ngưng sản xuất 3 tháng, lợi nhuận quý III về mức thấp nhất 3 năm. Tương tự, Gỗ An Cường chỉ duy trì khoảng 70% công suất trong quý III năm ngoái, lợi nhuận giảm đến 43%.