Công viên nước Hồ Tây đặt mục tiêu đón 352.694 lượt khách, giảm 81.000 lượt so với năm 2022 dù năm nay hè được dự báo là nắng nóng gay gắt. Công ty cũng ước tính lợi nhuận chỉ còn 7,1 tỷ đồng, giảm 8 tỷ đồng.
Mục tiêu của Công viên nước Hồ Tây năm 2023
Công ty cổ phần Dịch vụ Giải trí Hà Nội (Haseco, mã chứng khoán: HES) – ông chủ của Công viên nước Hồ Tây đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2023 tăng ước tính 2,5% so với thực hiện năm 2022, ở mức 139,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận đặt ra lại giảm 8 tỷ đồng so với con số thực hiện năm 2022, đạt 7,1 tỷ đồng. Lượt khách đặt mục tiêu là 352.694 lượt.
Trước đó, doanh thu của công ty năm 2022 là 136 tỷ đồng, tăng 7 lần so với năm 2021. Trong đó, các hoạt động tự doanh tại công viên nước đem về khoản doanh thu đạt 100,6 tỷ đồng, tăng gấp 5,5 lần. Doanh thu tour du lịch gấp 60 lần, đạt 35,5 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tăng ít hơn nên lợi nhuận gộp đạt 57 tỷ đồng, trong khi đó chỉ số này năm 2021 là âm 5 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính trong năm đạt 1,4 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng 155%, đạt mức 17 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 23 tỷ đồng, tăng 30%. Một điểm đáng chú ý là, chi phí tài chính của doanh nghiệp bằng 0.
Trong khi công ty lãi ròng 18,6 tỷ đồng vào năm 2022 thì năm 2021 lỗ 29 tỷ đồng. Theo lý giải của chủ công viên nước Hồ Tây, doanh nghiệp trong năm kinh doanh trước đó gặp nhiều khó khăn do Covid-19 hoành hành, buộc phải đóng cửa các công viên trong khoảng thời gian dài.
Doanh nghiệp năm 2022 đón 434.058 lượt khách, tăng 428.650 lượt, so với năm 2021 tương đương tăng 271%.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Haseco – chủ Công viên nước Hồ Tây đạt 102,8 tỷ đồng, so với đầu năm tăng nhẹ. Theo doanh nghiệp, đang có 2 hợp đồng tiền gửi tại các ngân hàng và một hợp đồng ký quỹ hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế, tổng giá trị vào khoảng 29,5 tỷ đồng.
Vài nét về Haseco
Năm 1998, Haseco được thành lập, vốn điều lệ ban đầu là 45 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp này là vui chơi giải trí các trò chơi dưới nước và trên cạn, dịch vụ văn hóa văn nghệ, dịch vụ thể thao rèn luyện thân thể.
Công viên nước Hồ Tây được khai trương và đi vào hoạt động với diện tích 6,4ha vào ngày 19/5/2000. Khu vui chơi trên cạn rộng 1,7ha nằm liền kề công viên nước Hồ Tây ra đời và được đặt tên là Công viên Vầng Trăng gần 2 tháng sau. Sau đó, công viên được đổi thành Công viên Mặt trời mới.
Các sáng lập viên của doanh nghiệp này gồm Ban Tài chính quản trị Thành ủy Hà Nội, Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam, Bưu điện Hà Nội, Công ty đầu tư khai thác Hồ Tây.