Giá lợn hơi đã tụt xuống mức 30 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, tại các chợ dân sinh hoặc siêu thị, nó vẫn được bán với giá cao chót vót.
Lý giải việc giá lợn hơi xuống thấp, giá tại chợ vẫn cao
Khảo sát cho thấy, giá lợn hơi ở các tỉnh miền Bắc đang xuống thấp ở mức từ 30.000 – 35.000 đồng/kg. Ngược lại, giá thịt lợn ở các chợ, siêu thị ở Hà Nội vẫn ở mức cao.
Theo đó, tại các chợ dân sinh ở Hà Nội, thịt ba chỉ ngon có giá 120.000 đồng/kg, thịt mông, chân giò 100.000 đồng/kg, xương cổ 40.000 – 45.000 đồng/kg.
Trong khi đó tại siêu thị, thịt nạc vai có giá 130.000 đồng/kg, thịt đùi là 125.000 đồng/kg, sườn non là 180.000 – 190.000 đồng/kg.
Về nghịch lý này, chị N.H., tiểu thương ở chợ Dịch Vọng (Hà Nội) khẳng định không… ăn hết phần lãi. Theo chị này, giá lợn cao là do qua nhiều khâu trung gian. 30 nghìn đồng/kg là giá tại chuồng, chưa qua khâu làm thịt, vận chuyển, cung cấp cho thương lái. Còn tiểu thương lấy thịt từ thương lái, về mới bán tới tay người tiêu dùng.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú đưa quan điểm, nếu trừ đi 10% VAT, giá thịt lợn ở một số siêu thị ở Hà Nội đang cao hơn 30% so với giá ở chợ. Như vậy, với mức giá này, các siêu thị đang “móc đậm” tiền của người tiêu dùng.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, ông Nguyễn Kim Đoán nhận định, chi phí cho việc vận chuyển, phân phối thịt đang qua nhiều khâu trung gian nên giá bị đẩy lên cao.
Về việc giá thịt ở chợ đã giảm mà giá ở siêu thị vẫn cao, ông Đoán cho rằng, siêu thị đa phần đều lấy thịt từ các chuỗi, đơn vị chăn nuôi lớn mà ở đây “không có can thiệp trực tiếp của ngành công thương về việc phân phối, lưu thông sao cho hợp lý” nên mới xảy ra tình trạng trên.
Chăn nuôi gặp khó
Mới đây, báo cáo của Cục Chăn nuôi cho thấy, do giãn cách xã hội, từ đầu tháng 10 đến nay, giá lợn hơi xuống dưới 50 nghìn đồng/kg. Một số địa phương giá xuống dưới 40 nghìn đồng/kg.
Ở một diễn biến khác, lợn thịt quá lứa đang ứ đọng khoảng 30%. Trong khi đó, giá gia cầm sau thời gian chạm đáy dù tăng trở lại nhưng vẫn dưới giá thành sản xuất.
Ở một số tỉnh thành, giá lợn xuất chuồng xuống thấp kỷ lục. Tại Nam Định, đây là lý do người chăn nuôi không tái đàn, dẫn đến việc đảm bảo nguồn cung cuối năm nguy cơ thiếu hụt.
Tại Đồng Nai, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, chi phí nguyên liệu đầu vào liên tục tăng trong 9 tháng qua, người nuôi lợn đang gặp khó và phải bán dưới giá thành. Nếu tình trạng này kéo dài thì người nuôi cũng sẽ giảm tái đàn.
Hội Chăn nuôi Việt Nam đã đề xuất Bộ Công Thương tạo điều kiện cho lưu thông và bình ổn thị trường, mở rộng kênh bán lẻ hiện đại ở cả vùng nông thôn; đàm phán với các nước xuất khẩu lớn có chính sách ưu đãi cho xuất khẩu hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản vào Việt Nam.
Hội này còn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu, nhằm hỗ trợ sản xuất chăn nuôi trong nước theo các khung thuế xuất mà Việt Nam cam kết trong các hiệp định thương mại.
Cát Anh (T/h)