Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng cho hay rất muốn giảm lãi suất giống mong muốn của doanh nghiệp, tuy nhiên cần phải ưu tiên an toàn hệ thống.
Thống đốc Ngân hàng nói 2 lý do không giảm lãi suất từ cuối 2022
Dù gặp khó khăn về dòng tiền nhưng doanh nghiệp vẫn khó trong việc tiếp cận vốn vay, lãi suất cao. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, bình quân lãi suất cho vay mới là 9,3% nhưng số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lại cho thấy, lãi suất cho vay bình quân tại 35 ngân hàng thương mại tới cuối tháng 3 cao hơn 0,56 điểm % so với cuối 2022 vào khoảng 10,23%.
Sáng 1/6, trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội, ông Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm rằng, lãi suất cao, kéo dài đang khiến dòng vốn doanh nghiệp tắc nghẽn. Và mong các ngân hàng thấu hiểu, chia sẻ, có trách nhiệm với doanh nghiệp cũng như người dân.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải trình trước quốc hội cho hay, không chỉ doanh nghiệp, cơ quan này cũng mong muốn được giảm lãi suất. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất sẽ phải đặt trong bối cảnh ổn định vĩ mô, tiền tệ và an toàn hệ thống ngân hàng.
Ở thời điểm những tháng cuối năm 2022, bà Hồng cho hay 2 lý do khiến kinh tế buộc phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao gồm có:
Thứ nhất: Áp lực khi lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh và mạnh. Trong nước, bình quân lạm phát tăng 3,15%, lạm phát cơ bản bình quân khoảng 5%. Như vậy, con số này cao hơn nhiều so với mức 1,84% và 0,84% năm 2021.
Theo bà Hồng, việc điều hành tiền tệ không thể chủ quan khi lạm phát tăng nhanh từng tháng trong nửa cuối của năm ngoái.
Thứ hai: Tiền đồng mất giá trong bối cảnh các nước thắt chặt tiền tệ, đồng USD tăng giá. VND ở thời điểm ba tháng cuối năm ngoái đứng trước áp lực mất giá tới 9-10%. Nếu không có giải pháp linh hoạt, đồng bộ thời điểm đó sẽ khó ổn định tỷ giá.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
Thống đốc cho hay, nếu tiền đồng mất giá trên 10%, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn vì hoạt động sản xuất trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu, dẫn đến thâm hụt ngoại tệ lớn. Ngoài ra, với việc doanh nghiệp nội địa vay lượng lớn vốn nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ sẽ tăng khi tiền đồng mất giá.
Thời điểm tháng 10/2022, cơ quan quản lý không thể nới room tín dụng bởi thị trường lúc đó xảy ra vụ việc rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng SCB. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ, nguy cơ lớn là sẽ lan sang các nhà băng khác trong hệ thống.
Nhà chức trách tiến hành điều chỉnh lại hạn mức tín dụng khi thanh khoản đã ổn định trở lại.
Giải pháp giúp cải thiện tiếp cận tín dụng
Bốn tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh lãi suất điều hành do tỷ giá ổn định trở lại, lạm phát tăng thấp. Nhờ đó, mặt bằng lãi các khoản vay so với cuối 2021 mới giảm bình quân 0,9%/năm.
5 tháng đầu năm nay tăng thấp, tín dụng chỉ tăng 3%. Tuy nhiên theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thì đó không phải do chính sách, mà bởi doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện cho vay. Bà cho biết, dư địa room tín dụng của các tổ chức tín dụng hiện thoải mái, thanh khoản hệ thống dư thừa. Do vậy, không có lý do gì ngân hàng huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền lại không cho vay.
Theo phân tích của Thống đốc, phân loại các nhóm doanh nghiệp thể hiện, có loại doanh nghiệp không có đầu ra, đơn hàng nên họ không có nhu cầu vay. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khi đó gặp khó khăn sau đại dịch, không đủ điều kiện nên không thể tiếp cận vốn.
Tăng trưởng tín dụng đối với bất động sản cao hơn so với mức chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, 70% khó khăn của thị trường hiện nay là vấn đề pháp lý nên tập trung tháo gỡ.
Bà Hồng chia sẻ, đơn vị đã chỉ đạo các nhà băng giảm thủ tục hành chính, cho vay trên cơ sở phương án khả thi, và không nhất thiết phải có tài sản đảm bảo mới cho vay. Bà cũng cho rằng, cùng với việc miễn, giãn các khoản nợ, đây là giải pháp giúp cải thiện tiếp cận tín dụng.