Lý do không nới thêm tăng trưởng tín dụng

Lý do không nới thêm tăng trưởng tín dụng

Theo Phó thống đốc Phạm Thanh Hà, mục tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn giữ ở mức 14%. Lý do bởi nới thêm sẽ gây ảnh hưởng tới thanh khoản hệ thống, tăng mặt bằng lãi suất.

Không nới thêm tăng trưởng tín dụng

Ngày 18/9 diễn ra phiên thảo luận tổng thể, thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế xã hội 2022. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà thông tin, mục tiêu về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra từ đầu năm là 14%. Giai đoạn năm 2020 – 2021, chỉ tiêu này lần lượt 12,17% và 13,61%.

Ông Hà cho hay, Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng để mức tăng trưởng tín dụng cao hơn 2 năm trước, trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới thắt chặt, áp lực lạm phát cao, để hỗ trợ phục hồi.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước thừa nhận đây là biện pháp hành chính, tuy nhiên ông cho rằng, đây là giải pháp vẫn thể hiện hiệu quả trong ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần trong việc kiểm soát lạm phát.

Ông lấy ví dụ, tăng trưởng tín dụng trước năm 2011 rất cao, ở mức trên 30% nhưng 10 năm trở lại đây, chỉ tiêu này được Ngân hàng Nhà nước cố gắng điều hành trong khoảng 12-14%, góp phần trong việc ổn định vĩ mô.

Theo chia sẻ của ông Hà, cơ quan điều hành tiền tệ đánh giá, tăng trưởng tín dụng hiện đã ở mức trên 10%, so với cùng kỳ nhiều năm thì tốc độ tăng nhanh. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư công chậm… gây ra áp lực lớn cho tăng trưởng tín dụng 2022.

Tuy vậy, khẳng định của Phó thống đốc là Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14%, không điều chỉnh mục tiêu này.

Điều hành chính sách tiền tệ là bài toán tổng thể

Ông Hà cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ là giải bài toán tổng thể với nhiều yếu tố. Mục tiêu quan trọng nhất của nó là góp phần kiểm soát lạm phát, an toàn cho hệ thống ngân hàng, thanh khoản các thị trường tiền tệ cũng như ngoại hối. Do đó, cần phải tính toán tất cả các biến số như lãi suất, tỷ giá… và đưa vào bài toán điều hành tổng thể chính sách tiền tệ.

Thực tế điều hành, Ngân hàng Nhà nước cho biết gặp nhiều khó khăn để ổn định thị trường tiền tệ, lãi suất trước những biến động khó lường, phức tạp ngoài dự đoán và chưa có tiền lệ của thế giới. Dù CPI 8 tháng tăng 2,58%, nhưng tới đây áp lực lạm phát rất lớn.

Để ổn định thị trường tiền tệ, lãi suất, không bị cuốn theo vòng xoáy mất giá nội tệ giống nhiều quốc gia, đồng thời giữ ổn định thương đối giá trị của tiền đồng, Ngân hàng Nhà nước 8 tháng qua đã sử dụng rất nhiều giải pháp. 

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước phân tích, hệ số sử dụng vốn của các ngân hàng hiện ở mức 100%, đồng nghĩa với việc vốn huy động cho vay đã dùng hết. Tăng trưởng tín dụng nếu nới thêm vài phần trăm sẽ gây ảnh hưởng tới thanh toán hệ thống, tăng mặt bằng lãi suất. 

Thêm vào đó, các tổ chức xếp hạng quốc tế, trong đó có Moody’s đã đưa ra cảnh báo về tỉ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức trên 124%, trong khi tổng tài sản tổ chức tín dụng/GDP khoảng 187%. Có nghĩa là đòn bẩy tài chính đang ở mức lớn. Nếu nới tín dụng, tài chính trong tương lai sẽ gặp rủi ro. 

Ông Hà nêu quan điểm, để tăng trưởng kinh tế sẽ cần nhiều nguồn vốn khác nhau, có thể từ thị trường vốn, vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư công… Do đó, việc điều hành tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét tới việc dùng các biện pháp khác. Tuy nhiên, hạn mức tăng trưởng tín dụng chưa thể bỏ trong ngắn hạn.

Về vấn đề này, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) – TS Võ Trí Thành đưa đề nghị rằng, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, tập trung dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, hạn chế vốn rót vào lĩnh vực rủi ro, kiểm soát chặt hơn vốn ngân hàng cho trung và dài hạn.

Exit mobile version