Theo yêu cầu của Trung Quốc, các nhà nhập khẩu khí đốt trong nước sẽ ngừng bán khí LNG (khí đốt hóa lỏng) cho khách hàng nước ngoài.
Chưa có bình luận gì về việc Trung quốc ngừng bán khí LNG cho châu Âu
Theo nguồn tin của hãng Bloomberg, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia – cơ quan lập kế hoạch kinh tế hàng đầu của quốc gia đã yêu cầu một số nhà nhập khẩu khí đốt trong nước như PetroChina, Cnooc, Sinopec dự trữ hàng sử dụng trong nước.
Trong cuộc khủng hoảng năng lượng, nguồn cung từ Trung Quốc mặc dù đã giúp châu Âu giảm nhẹ sức ép. Tuy nhiên, tình trạng chi phí vận chuyển cao kỷ lục khiến cho việc mua lại nhiên liệu của Trung Quốc bị giảm sức hấp dẫn.
Về thông tin này, hiện Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cùng với các tập đoàn năng lượng Trung Quốc chưa có câu trả lời hay bình luận xung quanh.
Động thái trên của Bắc Kinh được cho là chịu sự thúc đẩy từ những dự báo về khả năng thâm hụt nguồn cung khí đốt.
Trung Quốc thận trọng trong việc suy giảm nguồn cung
Trung Quốc dường như đã có một bước chuyển mình rõ rệt khi bán lại LNG. Năm ngoái, nhờ lượng mua tăng trên thị trường giao ngay mà quốc gia này đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới. Nhưng nhiều khả năng, vào năm 2022, quốc gia này sẽ giảm mức tiêu thụ khí đốt.
Trong bài phát biểu dài 2 tiếng vào hôm 16/10, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh vấn đề an ninh năng lượng. Ông lặp lại tuyên bố rằng quốc gia châu Á này phải thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng xanh một cách thận trọng nhằm tránh rủi ro về vấn đề suy giảm nguồn cung.
So với đỉnh điểm hồi tháng 8, giá khí đốt ở châu Âu hiện đã giảm gần 60%. Nhưng trong bối cảnh khu vực này muốn từ bỏ nguồn cung từ Nga thì đây vẫn ở mức kỷ lục trong năm.
Khu vực đang chịu sức ép về giá giao ngay bởi số lượng lớn lô hàng LNG sẽ được giao cho châu Âu. Do đó, một số nhà cung cấp cân nhắc tới việc chuyển hướng các chuyến hàng trở lại nơi có mức giá hấp dẫn hơn là châu Á.
Dù sao, động thái dừng bán LNG lại để đảm bảo nguồn cung trong nước của Trung Quốc được đánh giá là có thể gây ra tình trạng khan hiếm hàng hóa cho châu Âu, cùng với đó là làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái năng lượng của khu vực này khi mùa đông lạnh giá đang đến gần.
Trung Quốc nắm giữ các hợp đồng lớn để mua khí LNG từ các nhà xuất khẩu như Mỹ. Theo tìm hiểu, trong bối cảnh nhu cầu trong nước mờ nhạt vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các nhà nhập khẩu ở đây đã bán lại một số nguồn cung đó sang châu Âu trong năm nay.