M&A là gì? Hoạt động M&A tại Việt Nam diễn ra thế nào?

M&A là gì? Hoạt động M&A tại Việt Nam diễn ra thế nào?

M&A là gì? Hoạt động M&A tại Việt Nam diễn ra thế nào? Hãy cùng vimoney tìm hiểu về vấn đề này nhé.

Khái niệm M&A là gì?

Khái niệm M&A được hiểu là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp dưới hình thức sáp nhập hoặc mua lại giữa 2 hoặc nhiều doanh nghiệp, mục đích là sở hữu 1 phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó. Trong tiếng Anh, M&A là viết tắt của cụm từ Mergers (Sáp nhập) và Acquisitions (Mua lại).

Trong đó, Mergers là việc các doanh nghiệp cùng quy mô liên kết với nhau vì lợi ích chung, cho ra đời một doanh nghiệp mang tư cách pháp nhân mới. Với hình thức này, doanh nghiệp sáp nhập sẽ sở hữu toàn bộ tài sản, những lợi ích cũng như quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bị sáp nhập.

Acquisitions là việc doanh nghiệp lớn  mua lại doanh nghiệp nhỏ và yếu hơn. Theo đó, doanh nghiệp mua vẫn giữ tư cách pháp nhân cũ và được quyền sở hữu hợp pháp với doanh nghiệp được mua.

Mục đích chung của những thương vụ M&A không đơn thuần là sở hữu cổ phần mà là tham gia, quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp bị sáp nhập hay mua lại. Hoạt động M&A đem lại nhiều lợi ích như mở rộng thị phần, giúp doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn, giảm bớt số lượng nhân viên cần thiết, giảm chi phí phát sinh không thiết yếu, tận dụng công nghệ chuyển giao…

Hoạt động M&A và các quy định điều chỉnh của pháp luật

Tại Việt Nam, hoạt động M&A được quy định chủ yếu tại Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Cạnh tranh năm 2018, Luật Chứng khoán năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020 và phù hợp với các cam kết quốc tế liên quan đến hoạt động M&A mà Việt Nam là thành viên.

Hoạt động M&A mang tính chất phức tạp. Bởi vậy, ngoài điều chỉnh các vấn đề về sở hữu hay quản trị doanh nghiệp mục tiêu, pháp luật còn còn đề cập đến các vấn đề như: Đăng ký thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp, đăng ký về thủ tục M&A, các nghĩa vụ về thuế, xác định giá trị doanh nghiệp mục tiêu, pháp luật cạnh tranh nhằm kiểm soát hoạt động M&A.

Những hình thức M&A cơ bản

Hoạt động M&A có 3 hình thức cơ bản, tùy thuộc theo tính chất của việc sáp nhập, gồm: M&A theo chiều ngang, M&A theo chiều dọc, M&A kết hợp. Cụ thể như sau:

M&A theo chiều ngang (Horizontal)

Là hình thức mua bán, sáp nhập giữa các doanh nghiệp cung cấp các dòng sản phẩm và dịch vụ giống nhau hoặc tương; cũng có nghĩa là cùng ngành và ở cùng một giai đoạn sản xuất. Thông thường, họ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Ví dụ cùng trong ngành hàng may mặc, đồ gia công hoặc thực phẩm…

M&A theo chiều dọc (Vertical)

M&A theo chiều dọc có mục đích kết hợp hai công ty có cùng chuỗi giá trị sản xuất cùng một dịch vụ và dịch vụ tốt. Khác biệt duy nhất nằm trong giai đoạn sản xuất mà họ đang hoạt động.

Lấy ví dụ, một công ty sản xuất linh kiện điện tử sáp nhập với một công ty sản xuất điện thoại di động được coi là sáp nhập theo chiều dọc. Vì cùng liên quan đến điện thoại, nhưng giai đoạn sản xuất của 2 công ty khác nhau. Mục đích của hoạt động sáp nhập này thường để đảm bảo cung cấp các mặt hàng thiết yếu, tránh nguồn cung bị gián đoạn. Ngoài ra, nó còn hạn chế cung cấp cho các đối thủ cạnh tranh, giúp nâng cao doanh thu, lợi nhuận và giảm chi phí trung gian

M&A kết hợp (Conglomerate)

Là hình thức mua bán, sáp nhập nhằm mục đích hình thành nên các tập đoàn. Thông thường, nó diễn ra giữa các công ty cùng phục vụ một khách hàng, trong một ngành cụ thể nhưng khác nhau về sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, sản phẩm của các công ty có thể bổ sung và đi cùng nhau.

Sáp nhập kiểu này góp phần tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào các lĩnh vực khác của ngành, giảm rủi ro, đồng thời cung cấp quyền truy cập vào các tài nguyên và thị trường không có sẵn trước đó, tiết kiệm được nhiều chi phí.

Quá trình thực hiện M&A

Để hoàn tất một thương vụ M&A, thời gian thường rất dài. Khoảng thời gian ngắn nhất cũng vào 6 tháng, dài hơn có thể lên tới vài năm.

Quy trình thực hiện M&A thường diễn ra qua các bước sau:

– Xây dựng chiến lược, thực hiện xác định mục tiêu M&A tiềm năng.

– Đánh giá mục tiêu.

– Lập kế hoạch, quyết định lựa chọn hình thức sát nhập hay mua lại doanh nghiệp.

– Phân tích, định giá doanh nghiệp mục tiêu.

– Tiến tới đàm phán.

– Thẩm định thông tin.

– Thực hiện mua bán/ sát nhập.

– Hoàn thành các nghĩa vụ tài chính.

– Kết thúc việc mua bán.

Điểm mặt những thương vụ M&A lớn ở Việt Nam

Từ 2009-2018, thống kê cho thấy có trên 4.000 thương vụ, với tổng giá trị mua bán và sáp nhập (M&A) đạt 48,8 tỷ USD. Tuy nhiên, thời gian qua có một vài thương vụ M&A đáng chú ý có thể kể đến như:

ThaiBev và Sabeco

Đây là thương vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay của ngành bia Châu Á giữa ThaiBev – Một trong những công ty nước giải khát lớn của Đông Nam Á, đồng thời là công ty giải khát lớn nhất Thái Lan với Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO). ThaiBev đã mua lại 53,59% cổ phần của Sabeco. Giá trị của vụ M&A này là 4,8 tỷ USD. Bước đi này của ThaiBev nhằm chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

GIC Private Limited và Vinhomes

Thương vụ M&A giữa quỹ đầu tư GIC Private Limited của Chính phủ Singapore với Vinhomes – một công ty thành viên khác thuộc tập đoàn Vingroup được hoàn thành vào tháng 4/2018. Giá trị thương vụ này là 1,3 tỷ USD.

GIC đã đầu tư mua cổ phần của Vinhomes, đồng thời cung cấp một công cụ nợ cho Vinhomes (như khoản cho vay) để thực hiện các dự án. Đơn vị tư vấn của thương vụ này là Credit Suisse (Singapore) Limited.

Central Group – Big C

Tập đoàn Central Group đến từ Thái Lan đã đầu tư 1,14 tỷ USD để sở hữu Big C Việt Nam vào quý 2/2016. Động thái này nhằm thâu tóm thị phần mảng bán lẻ tại Việt Nam. Central Group trước đó đã mua lại tỷ lệ cổ phần chi phối với Nguyễn Kim, sau đó Nguyễn Kim mua lại Zalora Việt Nam.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version