Masan bị hủy niêm yết lô trái phiếu 3.000 tỷ đồng

Masan bị hủy niêm yết lô trái phiếu 3.000 tỷ đồng

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 16/2 đã ra thông báo về việc huỷ niêm yết lô trái phiếu trị giá 3.000 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (mã: MSN).

Tình hình phát hành trái phiếu của Masan

Theo đó, ngày 23/2 tới đây, HNX sẽ huỷ niêm yết 30 triệu trái phiếu MSN12002 của Masan. Được biết, số lượng trái phiếu bị hủy trị giá 3.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu MSN12002 của Masan bị hủy niêm yết là do đến thời gian đáo hạn.

Trước đó, ngày 9/3/2020, Masan phát hành 30 triệu trái phiếu MSN12002 ra công chúng với kỳ hạn 3 năm. Như vậy, đến ngày 9/3/2023, lô trái phiếu này sẽ đáo hạn.

Cuối năm 2022, Tập đoàn Masan đã thông tin về việc huy động thành công lô trái phiếu mã MSNH2227007 trị giá 1.700 tỷ đồng. Loại trái phiếu này không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm, không phải nợ thứ cấp và xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của doanh nghiệp.

Masan trước đó cũng công bố về việc chào bán ra công chúng 4.000 tỷ đồng trái phiếu. Theo đó, số tiền thu về sẽ được sử dụng để thanh toán các khoản nợ trái phiếu được đáo hạn vào tháng 3 và tháng 4/2023.

Trong khi đó, vào ngày 10/1 vừa qua, Masan cũng chào bán ra công chúng lô trái phiếu trị giá 700 tỷ đồng với kỳ hạn 60 tháng. Giá là 100.000 đồng/trái phiếu.

Theo chia sẻ từ phía doanh nghiệp, mục đích của đợt chào bán trái phiếu này là để tăng cường tiềm lực tài chính cho doanh nghiệp, huy động vốn với chi phí hợp lý trên thị trường trong giai đoạn lãi suất thấp (tại thời điểm chào bán); cùng với đó là đáp ứng nhu cầu vốn phát sinh từ hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu các khoản nợ của tập đoàn.

Chi tiết về lô trái phiếu 4.000 tỷ đồng của Masan (Ảnh: Masan).

Qua quan sát nhận thấy, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn thì Masan là doanh nghiệp hiếm hoi phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp.

Hoạt động kinh doanh của Masan ra sao?

Doanh thu thuần của Tập đoàn Masan năm 2022 giảm 14%, đạt 76.189 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm gần 60%, đạt 3.567 tỷ đồng. Việc sụt giảm này nguyên nhân lớn nhất là bởi cuối năm 2021, tập đoàn thực hiện chuyển nhượng mảng thức ăn chăn nuôi, đồng thời ghi nhận khoản lãi tài chính đột biến mà trong năm nay không còn.

Doanh thu thuần của Masan tăng 2,6% so với mức 74.224 tỷ đồng của năm 2021 nếu như loại trừ doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi năm 2021 để so sánh tương đương.

Theo ước tính của Masan, năm tài chính 2023, doanh thu thuần hợp nhất sẽ tăng trưởng 18% – 31%, đạt từ 90.000 – 100.000 tỷ đồng.

Động lực tăng trưởng doanh thu sẽ vẫn là TCX – nền tảng bán lẻ tiêu dùng hợp nhất WinCommerce (WCM) và Masan Cosumer Holdings (MCH), đóng góp hơn 70% vào tổng doanh thu của tập đoàn.

Tổng tài sản của Masan tính đến 31/12/2022 tăng 12% so với hồi đầu năm, đạt 141.342 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền, gồm có đầu tư ngắn hạn (chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn 3 đến 12 tháng), các khoản phải thu liên quan đến hoạt động ngân quỹ và đầu tư (gồm các khoản phải thu có lãi suất nhất định) đang có là 17.512 tỷ đồng, giảm 23% so với thời điểm đầu năm.

Nguyên nhân đến từ việc mua cổ phần Phúc Long Heritage (chuỗi đồ uống trà, cà phê) và Nyobolt (một công ty chuyên cung cấp giải pháp pin Li-ion sạc nhanh).

Cơ cấu nguồn vốn của Masan cho thấy, nợ phải trả tăng 25% so với thời điểm đầu năm, chiếm gần 105.000 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay nợ ngắn hạn tăng hơn gấp đôi so với con số cùng kỳ năm 2021, lên hơn 40.500 tỷ đồng (tức gần 19.000 tỷ đồng). Vay dài hạn là hơn 30.400 tỷ đồng (tăng gần 9.000 tỷ đồng). Công ty đã phải trả hơn 4.800 tỷ đồng tiền lãi trong năm 2022.

Exit mobile version