Một trong những động lực của kế hoạch doanh thu kỷ lục 100.000 tỷ năm nay của Masan chính là mô hình phục vụ nhiều sản phẩm, dịch vụ cùng một địa điểm – “mini mall”.
Mục tiêu năm 2022 của Masan
Năm 2021, doanh thu của Masan xấp xỉ 88.630 tỷ đồng. Trong đó, WinCommerce đóng góp vào tổng doanh thu là 30.900 tỷ đồng, Masan Consumer cũng mang về 28.760 tỷ đồng, đồng thời duy trì biên lợi nhuận trên 41%. Thương hiệu thịt Masan MEATLife và công ty khai thác khoáng sản Masan High-Tech Materials là những nguồn thu còn lại của Masan.
Năm nay (2022), mục tiêu doanh thu thuần Masan đặt ra là 90.000-100.000 tỷ. Dù so với năm trước, mức doanh thu này tăng nhẹ nhưng dự kiến, lãi sau thuế của doanh nghiệp này giảm mạnh còn 6.900-8.5000 tỷ.
Trong kế hoạch này, đơn vị quản lý chuỗi siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+ là WinCommerce được kỳ vọng sẽ đóng góp mức doanh thu từ 38.000-40.000 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu tương tự với doanh thu của công ty sản xuất hàng tiêu dùng Masan Consumer. Còn theo dự kiến, công ty kinh doanh thịt heo và gà Masan MEATLife sẽ mang về doanh thu 5.000-6.000 tỷ đồng.
Chiến lược hiện thực hóa mục tiêu 1000.000 tỷ của Masan
Ban lãnh đạo của Masan cho biết, chiến lược “Point of Life” chính là mấu chốt để đạt được mục tiêu 100.000 tỷ trong năm nay. Theo đó, chiến lược này sẽ phục vụ các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu trên một nền tảng từ offline đến online.
Đối với từng đơn vị thành viên, kế hoạch kinh doanh cũng sẽ lấy chiến lược này làm mục tiêu, động lực tăng trưởng. So với các năm trước, điểm khác biệt là Masan đã xác định mô hình “mini mall” nhằm hiện thực hoá chiến lược này.
Mô hình mini mall của Masan là một cửa hàng sẽ tích hợp nhiều dịch vụ, từ nhu yếu phẩm (WinMar), trà và cà phê (Phúc Long) cho đến dịch vụ tài chính (Techcombank) và chăm sóc sức khoẻ (Phano).
Ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Masan cho biết, nếu triển khai ở khu vực nông thôn – nơi tập trung phần lớn người tiêu dùng thì mô hình bán lẻ nhu yếu phẩm thuần tuý không mang lại hiệu quả kinh tế. Do đó, doanh nghiệp này đã tiến hành thử nghiệm và tìm ra “vũ khí” mới chính là “mini mall”. Mức doanh thu để đạt điểm hoà vốn tại các “mini mall” chỉ còn 14 triệu đồng/ngày thay vì 20 triệu đồng như trước kia.
Theo ông Quang, mini mall chính là chìa khóa để hợp nhất toàn bộ nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng, đồng thời mở rộng quy mô nền tảng từ online đến offline. Vị này cũng khẳng định, đây cũng chính là lời giải cho bài toán phục vụ 100 triệu người tiêu dùng nhưng không cần đốt tiền như các sàn thương mại điện tử.
Ông chủ Masan tiết lộ, năm nay, doanh nghiệp này sẽ đặt cược vào trí tuệ nhân tạo và máy học, hướng đến hoàn thiện hệ sinh thái bán lẻ. Theo đó, 2 công nghệ này sẽ giúp doanh nghiệp phân tích, lựa chọn danh mục sản phẩm theo thị hiếu người tiêu dùng ở mỗi cửa hàng. Từ đó, công ty có thể giảm thất thoát doanh số bán hàng, rút ngắn ngày tồn kho. Đồng nghĩa với việc đơn giản danh mục nhưng tăng được mức độ hài lòng đối với người tiêu dùng.
Trước năm 2025, Masan muốn nhân rộng mô hình “mini mall” lên 30.000 cửa hàng, đồng thời bổ sung thêm 2 mảnh ghép còn thiếu là nội dung và giải trí.
Chưa hết, doanh nghiệp này còn dự kiến xây dựng mô hình ki-ốt kỹ thuật số được tích hợp các tiện ích khác nhau như thanh toán không dùng tiền mặt, phân phối sim điện thoại, rút và nạp tiền, giới thiệu các chương trình khuyến mãi.
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, mini-mall sẽ là kênh phân phối chính các sản phẩm tài chính tiềm năng của Masan trong tương lai. Nếu hệ sinh thái được hoàn thiện, mini mall được dự đoán sẽ tăng khả năng đáp ứng nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng từ 25% lên 60-80%.