Sau khi mất mốc 40.000 USD/BTC, giá Bitcoin tiếp tục giảm thêm, quanh mức 36.300USD/BTC.
Giá Bitcoin tiếp tục giảm
Từ đêm 21/1 đến sáng 22/1, giá Bitcoin tiếp tục trong xu hướng giảm mạnh. Sau khi mất mốc 40.000USD/BTC còn hơn 38.000 USD, trong gần một ngày, giá Bitcoin có lúc sụt xuống dưới 36.000 USD. Tính đến 6h sáng ngày 22/1, giá Bitcoin giảm hơn 12% so với 24 giờ trước, dao động quanh mốc 36.300 USD.
Trong gần 20 ngày trước đó, giá Bitcoin biến động tăng giảm trong vùng từ 40.000-45.000 USD. Có thể thấy, mốc 40.000 USD được coi là một mức hỗ trợ mạnh về mặt tâm lý. Bitcoin sau khi còn dưới 40.000 USD đã ngay lập tức mất gần 10% giá trị chỉ trong vòng 1 ngày.
Bối cảnh của đồng Bitcoin đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tiền mã hóa theo hướng giảm. Trong 24h qua, các coin có vốn hóa lớn đều mất khoảng 20% giá trị. Dữ liệu của Coinmarketcap cho thấy, khoảng 300 tỷ USD vốn hóa của toàn bộ thị trường “bay” trong 1 ngày, xuống còn 1.700 tỷ USD.
Trong số những tài sản đầu tư, không chỉ có tiền mã hóa giảm mạnh, ngay cả các cổ phiếu lớn cũng mất giá. Trong tuần, 2 chỉ số quan trọng là chỉ số Nasdaq Composite giảm tới 7,6%, còn S&P 500 giảm 5,7%.
Vốn được mệnh danh là “vàng kỹ thuật số” nhưng thực chất Bitcoin hay các loại tiền mã hóa vẫn là tài sản đầu tư rủi ro. CNBC cho rằng, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất đã khiến cho các nhà đầu tư giảm bớt tỷ trọng vốn ở các tài sản có tính rủi ro cao. Trong khi đó, trước khi hạ xuống thì lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm đỉnh ở trên mức 1,9%.
Nhiều chuyên gia dự đoán, thời gian tới giá Bitcoin sẽ tiếp tục giảm do những quy định về đầu tư bị thắt chặt tại nhiều nước, thêm vào đó là việc siết lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Giá Bitcoin giảm do lệnh cấm khai thác, sử dụng ở một số quốc gia?
Nhà phân tích thị trường tại công ty Oanda – Edward Moya bày tỏ sự thất vọng vì giá Bitcoin không có phản ứng tích cực hơn sau khi lãi suất trái phiếu giảm xuống.
Một số những bất lợi đối với Bitcoin còn liên quan đến việc một số quốc gia cấm sử dụng và khai thác tiền mã hóa. Trước đó là Trung Quốc và mới đây, ngày 20/1, Ngân hàng Trung ương Nga đề xuất cấm sử dụng và khai thác tiền mã hóa trên lãnh thổ đất nước này.
Lý do bởi loại tiền này đe dọa đến sự ổn định tài chính, phúc lợi của người dân và chủ quyền chính sách tiền tệ của đất nước. Giới chức Nga đã nhiều lần tranh cãi về việc cấm tiền mã hóa. Một số quan chức chỉ trích rằng Bitcoin có thể được sử dụng để rửa tiền hoặc tài trợ cho khủng bố.
Nhận định về sự cấm túc này, ông Edward Moya cho rằng, vài thập kỷ qua, đồng tiền pháp định của Nga liên tục giảm giá khiến Bitcoin trở thành khoản đầu tư hấp dẫn đối với người Nga trong những năm gần đây.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, giá Bitcoin giảm mạnh xuống dưới 40.000USD cũng liên quan đến việc Nga cấm đề xuất cấm sử dụng khai thác tiền mã hóa. Khi mà Nga nằm trong nhóm ba quốc gia đứng đầu về khai thác Bitcoin.
Cát Anh (T/h)