Thị trường chứng khoán là nơi luôn hội tụ đầy đủ các cung bậc cảm xúc buồn vui khi thị trường downtrend hay “úp chén”. Rất nhiều từ lóng được các“Chứng sĩ” sử dụng hàng ngày, hãy cùng ViMoney tìm hiểu một số từ lóng phổ biến trong bài viết dưới đây nhé.
1. Bạn là ai trên thị trường – Chim lợn hay bìm bịp, cừu hay sói, cá con hay cá mập?
1.1 Chứng sĩ là gì?
“Chứng sĩ” là từ gọi vui chỉ nhà đầu tư chứng khoán. Sau khi tham gia thị trường, các chứng sĩ đều yêu các màu tím, ghét màu xanh lam; buồn vui thất thường từ thứ 2 đến thứ 6 và bứt rứt vào các ngày thứ 7, Chủ nhật, ngày lễ không giao dịch.
1.2 Cá mập là gì?
Ai cũng biết cá mập là sát thủ hung dữ của biển cả với những đòn tấn công cực kỳ bất ngờ cùng hàm răng sắc nhọn.
Trên thị trường, thuật ngữ cá mập dùng để chỉ cá nhân/nhóm người chuyên thao túng giá cổ phiếu để trục lợi. Thông thường, họ là những nhà đầu tư có nguồn lực tài chính dồi dào và/hoặc liên kết với một số công ty chứng khoán hay thậm chí còn “đi đêm” với nội bộ doanh nghiệp trên sàn, sử dụng thông tin nội bộ làm giá cổ phiếu.
1.3 Cá cơm hay có con là gì?
Cá cơm hay cá con chỉ tầng lớp nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhóm chiếm số lượng đông đảo nhất trên thị trường. Trước những cơn sóng chứng khoán, đàn cá cơm tuy đông nhưng lại thường thua thiệ gặp bất lợi trước cá mập do tiềm lực tài chính mỏng, trình độ phân tích tài chính chưa cao, tâm lý bầy đàn, khả năng tiếp cận thông tin hạn chế…
Năm 2021, vụ việc tại cổ phiếu Gamestop là điển hỉnh cho trường hợp nhà đầu tư nhỏ lẻ đoàn kết lại và đánh bật cả những con cá mập, tuy nhiên điều này hiếm khi xảy ra.
1.4 Gà và “lùa gà” là gì?
Gà dùng để chỉ những nhà đầu tư nhỏ lẻ mới tham gia thị trường, ít vốn, chưa có kinh nghiệm và thiếu tinh thần cảnh giác, giống như khái niệm “gà mờ”.
Trong 2 năm trở lại đây, thị trường xuất hiện thêm khái niệm F0 để chỉ nhóm nhà đầu tư mới tham gia thị trường, không hề có kinh nghiệm đầu tư, hầu hết được ví như “gà”. Tuy nhiên vẫn có nhiều F0 vẫn cực kỳ tỉnh táo trước các chiêu trò “lùa gà” của cá mập hay sói và thu được thành quả tích cực ngay trong những giao dịch đầu tiên.
1.5 Cừu hay Sói là gì?
Cừu cũng là thuật ngữ giống như “Gà”, chỉ những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, dễ mất cảnh giác và dễ gặp tổn thương nhất trên thị trường chứng khoán.
Ngược lại sói là những nhà đầu tư lâu năm với kinh nghiệm lão luyện, lợi thế về thông tin và rất thích “làm thịt” cừu. Một trong những chiêu trò của sói là dẫn dụ nhà đầu tư vào những hội nhóm/group chứng khoán để dễ quản lý. Khi có thời cơ, sói hô hào mua cổ phiếu mà mình đã nắm giữ để trục lợi hoặc thu phí tham gia room, phí phím hàng một cách vô lý…
So với cá mập thì sói có tiềm lực khiêm tốn và tầm hoạt động nhỏ hơn.
1.6 Chim lợn là gì?
Vì tiếng kêu “éc éc” của chim lợn hay cú lợn được cho là báo điềm xui xẻo, điểm gở sắp tới, chim lợn trên TTCK dùng để chỉ những người phát tán các thông tin mang tính tiêu cực, đưa ra những nhận định xấu về thị trường, doanh nghiệp hay cổ phiếu nhằm đẩy giá cổ phiếu xuống để mình mua vào với giá thấp hơn.
Ngoài ra, một số chỉ vì không ưa thích doanh nghiệp hoặc “fomo” các cổ phiếu mình không nắm giữ lại liên tục tăng giá cũng thích làm “chim lợn”.
1.7 Bìm bịp là gì?
Ngược với chim lợn, bìm bịp lại mang lại nhiều điềm lành cho con người, nên trên TTCK, bìm bịp là thuật ngữ để chỉ những người liên tục tung ra tin tốt, cổ vũ thị trường hay cổ phiếu của doanh nghiệp nhằm đẩy giá cổ phiếu đó lên để bìm bịp có thể bán ra với giá cao hơn.
Trên thị trường, nhà đầu tư có thể dễ dàng thay đổi từ chim lợn sang bìm bịp và ngược lại theo từng hoàn cảnh cụ thể. Khi đang nắm giữ cổ phiếu, nhà đầu tư thường giữ vai trò bìm bịp, khi đã bán hết hoặc chưa kịp mua cổ phiếu, lại chuyển vai thành chim lợn để kỳ vọng giá xuống để “cover”.
2. Bạn thích bắt dao rơi, thổi nến, ném đá dò đường, cưa chân bàn hay múc tất tay?
2.1 Xúc hay múc là gì?
Xúc hay múc là hành động mua cổ phiếu với quyết tâm cao độ, thậm chí có thể mua bằng mọi giá của các nhà đầu tư. Đây là động từ thường được sử dụng khi hô hào mua cổ phiếu.
2.2 Lướt sóng là gì?
Lướt sóng chứng khoán là việc đầu cơ, nhà đầu tư mua được ở chân sóng hay vị trí mua tốt sẽ kiếm được lợi nhuận do giá cổ phiếu tăng. Đây hoạt động đầu tư chứng khoán ngắn hạn, theo quy luật cung cầu của cổ phiếu và xu hướng của thị trường hiện tại. Trong chứng khoán, “sóng” có thể là hoạt động trong vài tuần, vài tháng, thậm chí đại sóng có thể kéo dài đến 1-2 năm, mà dân trong nghề người ta gọi là sóng thần.
2.3 Đọc nến, thổi nến hay cắt tỉa nến là gì?
Đọc nến (hay tỉa nến/thổi nến…) là việc đánh giá, tìm xu hướng cổ phiếu thông qua việc phân tích các mẫu hình nến Nhật của dân đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật.
2.4 Chạy mất dép là gì?
Chạy mất dép là hành động chấp nhận bán ra cổ phiếu để tránh rủi ro cao, thường xảy ra trong các phiên rung lắc mạnh, nhất là đối với các nhà đầu tư đang chịu cảnh “đu đỉnh” kéo dài.
Ngược lại, các nhà đầu tư lại tranh thủ cơ hội mua vào ở các phiên đó với kỳ vọng cổ phiếu tăng trở lại, gọi là nhặt dép hay bắt đáy.
2.5 Bắt dao rơi là gì?
Bắt dao rơi chỉ hành động mua vào một cổ phiếu đang giảm mạnh với kỳ vọng kiếm lợi nhuận, thường là ngắn hạn T+. Bắt dao rơi rất rủi ro do cổ phiếu có thể tiếp tục giảm điểm hoặc hiệu quả đầu tư không cao.
2.6 Cưa chân bàn là gì?
Cưa chân bàn là thuật ngữ chỉ bình quân giá xuống, giá càng xuống thì bạn càng mua vào để giá mua trung bình giảm xuống. Cưa chân bàn sẽ rất nguy hiểm nếu như tiền mặt của bạn đã hết mà giá cổ phiếu vẫn tiếp tục đi xuống, dễ trở thành “nhà đầu tư dài hạn bất đắc dĩ”.
2.7 Thoát hàng hay xả hàng là gì?
Thoát hàng hay xả hàng chỉ hành động quyết liệt bán ra cổ phiếu để chốt lời, cắt lỗ hoặc bởi lo ngại thị trường sắp… sập.
3. Úp chén: Xài đòn gánh, cướp hàng, tất tay, gồng lãi lồi mồm toác mỏ?
3.1 Úp chén là gì?
Úp chén là từ đọc lái đi của “uptrend”, chỉ giai đoạn cổ phiếu vào xu hướng/chu kỳ tăng. Lúc này, đa phần cổ phiếu trên thị trường sẽ tăng giá, việc kiếm tiền của dân chứng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
3.2 Ném đá dò dường là gì?
Ném đá dò đường là hành động thận trọng trong việc giải ngân, khi mua dần cổ phiếu với số lượng/tỷ trọng nhỏ để lấy vị thế, hạn chế rủi ro khi chưa chắc chắn về xu hướng nhưng đồng thời cũng không bỏ lỡ cơ hội nếu cổ phiếu tăng giá.
3.3 Cướp hàng là gì?
Trong uptrend, sẽ có những phiên rung lắc giảm điểm do điều chỉnh thông thường. Cướp hàng chỉ việc các nhà đầu tư nhanh tay mua vào lượng cổ phiếu giá rẻ khi chúng bị bán ra trong các phiên điều chỉnh mạnh đó. “Chim lợn”, các đối tượng liên tục rao tin xấu trên thị trường nhằm thúc giục nhà đầu tư bán ra cổ phiếu chín là những thành phần tích cực tham gia cướp hàng.
3.4 Mất hàng là gì?
Ngược với cướp hàng, mất hàng là khi nhà đàu tư vừa bán ra thì cổ phiếu lại quay đầu tăng trở lại, thậm chí tăng rất mạnh. Điều này thường diễn ra ở các phiên rung lắc mạnh trong giai đoạn thị trường uptrend.
3.5 Xài đòn gánh là gì?
Xài đòn gánh là từ lóng chỉ việc sử dụng margin hay đòn bẩy tài chính (vay tiền của công ty chứng khoán để đầu tư).
Lợi ích khi dùng margin là nhà đầu tư có thể mua được nhiều hơn so với việc chỉ dùng vốn tự có, tối ưu hiệu suất đầu tư trong trườn hợp giá cổ phiếu tăng cao hơn lãi suất vay margin. Tuy nhiên, nếu dự báo sai, sử dụng đòn bẩy sẽ khiến nhà đầu tư thua lỗ trầm trọng hơn, thậm chí “cháy” tài khoản (mất hết phần vốn tự có).
Đọc thêm: Margin là gì? Có nên sử dụng margin trong đầu tư chứng khoán?
3.6. Tất tay là gì?
Tất tay hay all in dùng để chỉ việc nhà đầu tư rót toàn bộ tiền vào cổ phiếu, thậm chí sử dụng tối đa hạn mức giao dịch ký quỹ (full-margin) để gia tăng đòn bẩy. Điều này thường xảy ra khi nhà đầu tư tin chắc rằng cổ phiếu sẽ sớm tăng trong thời gian tới
3.7 Lồi mồm toác mỏ là gì?
Lồi mồm hay lồi mồm toác mỏ chỉ trạng thái một cổ phiếu nào đó hay cả danh mục tài khoản đem về mức sinh lời lớn khiến nhà đầu tư cực kỳ sung sướng vì thu được quá nhiều lợi nhuận.
3.8 Gồng lãi là gì?
Khi thị trường tăng mạnh, nhà đầu tư có xu hướng chốt lãi dần. Tuy nhiên có nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lâu năm, họ thường chấp nhận rung lắc và tiếp tục “gồng lãi”, nắm giữ cổ phiếu, nhằm có mức lãi kép lớn hơn (nếu giá tiếp tục xu hướng tăng).
4. Downtrend: Đu đỉnh, full margin, sập, kẹp hàng, về cái máng lợn hay cháy tài khoản?
4.1 Sập là gì?
“Sập” là khái niệm chỉ những phiên giảm điểm với biên độ lớn do thông tin kinh tế chính trị hoặc tin tức doanh nghiệp bất ngờ, hoặc do nhà đầu tư lớn bán tháo cổ phiếu.
4.2 Đu đỉnh là gì?
Đu đỉnh là từ lóng dùng để chỉ tình huống nhà đầu tư sau khi đã mua ở vùng giá cao thì cổ phiếu đột ngột giảm mạnh, thường là hệ quả của hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO), khi thấy giá cổ phiếu tăng liên tục nên nhanh chóng đặt lệnh mua mà không suy xét kỹ lưỡng… dẫn đến kẹp hàng ở vùng giá cao.
Đọc thêm: FOMO là gì? 5 bước vượt qua FOMO trong đầu tư
4.3 Kẹp hàng là gì?
Kẹp hàng chỉ trạng thái giá cổ phiếu sụt giảm sâu trong khi nhà đầu tư chưa kịp bán ra cắt lỗ và vẫn phải tiếp tục ôm cổ phiếu, thường diễn ra sau những pha “đu đỉnh” hoặc “bắt nhầm đáy”.
4.4 Múa bên trăng là gì?
Múa bên trăng, đọc lái của cụm từ “trắng bên mua”, là từ lóng dùng để chỉ một cổ phiếu giảm giá kịch sàn với lượng dư bán áp đảo, không có lệnh đặt dư mua.
4.5 Full margin là gì?
Full margin chỉ việc nhà đầu tư dùng tối đa sức mua mà công ty chứng khoán cấp cho. Việc tăng sức mua tối đa giúp mở ra cơ hội kiếm lời lớn; ngược lại, đây cũng là dao hai lưỡi có thể khiến nhà đầu tư bị call margin, thậm chí cháy tài khoản
4.6 Về cái máng lợn là gì?
“Về cái máng lợn” là từ lóng chỉ những cổ phiếu hoặc chỉ số chứng khoán bật tăng rồi giảm sâu trở lại về mức ban đầu.
4.7 Cháy tài khoản là gì?
Cháy tài khoản chỉ trạng thái tài khoản chứng khoán thua lỗ trầm trọng dẫn đến mất trắng, thường do nhà đầu tư dùng đòn bẩy margin cao gặp đúng lúc cổ phiếu/thị trường diễn biến bất lợi.
Nguồn: Tuấn Trần, Xuân Nghĩa