Có nên “mua đuổi” khi cổ phiếu bất động sản đồng loạt tăng mạnh?

Cổ phiếu bất động sản đồng loạt tăng mạnh, nhà đầu tư có nên “mua đuổi”? - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán đầu tuần, sắc xanh phủ sóng ở hầu hết các nhóm ngành, tuy nhiên tâm điểm vẫn dồn về nhóm cổ phiếu bất động sản. Câu hỏi đặt ra là có nên “mua đuổi” khi cổ phiếu bất động sản đồng loạt tăng mạnh?

Cổ phiếu bất động sản vụt tăng sau thời gian ngụp lặn

Sau thời gian “ngụp lặn” với mức giảm sâu, nhóm cổ phiếu bất động sản bất ngờ trỗi dậy bật tăng mạnh mẽ. Trong phiên 20/2, hàng loạt “cổ đất” tăng hết biên độ, trắng bên bán, dư mua hàng triệu đơn vị, có thể đến như CEO, API, LDG, NVL, HPX, PDR, DIG, DXG…

Theo đánh giá, đà tăng của nhóm phiếu bất động sản xuất phát từ những kỳ vọng sau cuộc họp của Chính phủ với các ban ngành, doanh nghiệp lớn nhằm tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững cuối tuần vừa qua.

Nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã được đề xuất. Đơn cử như gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho vay cả người xây dựng và người mua nhà ở xã hội hay các kiến nghị về tháo gỡ vướng mắc pháp lý… Chưa kể, dự thảo Nghị định 65 sửa đổi trước đó cũng được đánh giá sẽ giúp các doanh nghiệp BĐS “dễ thở” hơn.

Nhà đầu tư có nên tham gia nhóm cổ phiếu bất động sản thời điểm này?

Giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – Nguyễn Thế Minh cho rằng, với những nhà đầu tư lướt sóng có thể cân nhắc giải ngân vào các cổ phiếu BĐS bởi nhóm này khả năng cao vẫn sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong ngắn hạn, bởi một số lý do như:

Tâm lý nhà đầu tư phần nào đã được giải toả sau cuộc họp bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản. Nhóm này khả năng cao sẽ có một đợt sóng đầu cơ, mang tính chất tâm lý trước kỳ vọng đón đầu những thông tin về giải pháp hỗ trợ thị trường BĐS trong thời gian tới.

Tiếp nữa, trước những thông tin tiêu cực trong thời gian qua, nhiều cổ phiếu bất động sản đã giảm rất sâu. Chỉ số VNREAL – đại diện cho nhóm cổ phiếu BĐS trên sàn HoSE, cũng rơi một mạch từ đỉnh xuống vùng giá thấp nhất trong vòng 5 năm, tương đương với đáy Covid. Nhóm này có đặc điểm là giảm nhanh hồi mạnh nên chỉ cần có tín hiệu tích cực sẽ nhanh chóng bật tăng trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, ông Minh nhận định, nhóm cổ phiếu BĐS mang tính chất đầu cơ cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi mà những khó khăn vẫn chưa được gỡ bỏ. Nhà đầu tư vì vậy chỉ nên tham gia lướt sóng ở tỷ trọng vừa phải, hạn chế sử dụng đòn bẩy để tránh cú đảo chiều bất ngờ.

Ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC cho rằng, đối với những nhà đầu tư theo trường phái cơ bản, nhóm cổ phiếu BĐS có thể sẽ là lựa chọn phù hợp từ cuối năm 2023 và đầu 2024. Tuy nhiên, các doanh nghiệp BĐS có tình hình tài chính tốt có thể cân nhắc sớm hơn khi giá của nhóm cổ phiếu BĐS đã về vùng đáy Covid 2020.

Còn không ít thách thức đối với nhóm cổ phiếu bất động sản thời gian tới

Theo đội ngũ phân tích BSC, doanh nghiệp bất động sản vẫn khó huy động nguồn vốn từ khách hàng vì niềm tin của người mua nhà giảm, nhu cầu thực chưa được đáp ứng, nhu cầu đầu tư giảm mạnh và hạn chế trong việc tiếp cận khoản vay. Ngược lại, trái phiếu và cổ phiếu là các kênh dẫn vốn khác vẫn gặp nhiều “cơn gió ngược”, thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.

Bên cạnh áp lực đáo hạn trái phiếu tập trung vào 2023 – 2024, các doanh nghiệp phát triển bất động sản và người mua nhà còn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi môi trường lãi suất cao.

BSC vì thế cho rằng, ngành BĐS đang bước vào giai đoạn ảm đạm tạm thời, giai đoạn tái cấu trúc toàn diện để sẵn sàng đón đợi chu kỳ tiếp theo của ngành. Triển vọng trong dài hạn tích cực khi nhu cầu nhà ở thực vẫn cao và nguồn cung dần được “cởi trói” nhờ hai yếu tố.

Thứ nhất, tiến độ hoàn thiện pháp lý được đẩy mạnh, thị trường hướng đến sự minh bạch, lành mạnh, tăng tính bền vững thông qua Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, Luật đất đai sửa đổi và Quyết định số 1435/QĐ-TTg.

Thứ 2, hạ tầng kết nối được phát triển đồng bộ sẽ dần kéo nhu cầu thực sang các khu vực ngoại thành, giảm tải áp lực cho các thành phố lớn nơi quỹ đất còn lại rất hạn chế.

Exit mobile version