Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, nhắm vào ngân hàng và giới tinh hoa

ViMoney: Tổng thống Biden công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga

Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga

Tối 22/2, Tổng thống Joe Biden đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, cho rằng các hành động của Tổng thống Vladimir Putin ở Ukraine là “khởi đầu” của một cuộc xâm lược.

“Chúng tôi vẫn tin rằng Nga đã sẵn sàng tiến xa hơn và tiến hành một cuộc tấn công quân sự lớn nhằm vào Ukraine”, ông Biden nói, theo NBC News.

Các biện pháp trừng phạt sẽ nhắm vào ngân hàng VEB và nợ công của Nga, khiến nước này không thể tiếp cận được nguồn tài chính của phương Tây. Ông Biden cho biết các lệnh trừng phạt cũng sẽ nhằm vào giới tinh hoa Nga và gia đình của họ, để đảm bảo những người thân cận với ông Putin “chia sẻ nỗi đau”.

ViMoney: Tổng thống Biden công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 22/2 công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ cũng cho biết, ông đang triển khai một số binh lính Mỹ và trang thiết bị sẵn có ở châu Âu để tăng cường sức mạnh cho các đồng minh ở khu vực Baltic, nhưng đó là động thái “phòng thủ”. “Chúng tôi không có ý định đánh Nga”, Biden nói.

Ông Biden cho biết hơn 150.000 quân Nga tiếp tục bao vây Ukraine và Moscow đã bố trí các thiết bị quân sự, thiết bị y tế và nguồn cung cấp máu gần biên giới. “Bạn không cần máu trừ khi bạn sắp bắt đầu một cuộc chiến,” tổng thống nói.

Tổng thống tiếp tục duy trì khả năng xoa dịu cuộc khủng hoảng về mặt ngoại giao, và cho biết Hoa Kỳ sẽ vẫn cởi mở trong việc trao đổi với Nga và các đối tác để ngăn chặn chiến tranh toàn diện. Ông cũng nhấn mạnh một lần nữa sự phản đối của mình đối với việc Nga công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai của Ukraine vào ngày 21 tháng Hai.

Ông Biden nói: “Đây là một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế rõ ràng cần phải có phản ứng cứng rắn từ cộng đồng quốc tế.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine

Ukraine trong những năm gần đây đã dần rời xa Nga và trở nên thân thiết với phương Tây. Quan hệ giữa hai bên bị rạn nứt lớn sau bất ổn chính trị ở Ukraine vào năm 2014, khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.

Cùng năm 2014, lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine nổi dậy, tạo ra hai quốc gia tự xưng ở Donbas (Luhansk và Donetsk). Giao tranh ác liệt giữa quân chính phủ và phe ly khai ở Donbas tạm thời chấm dứt sau hiệp định hòa bình Minsk 2 năm 2015.

Thỏa thuận Minsk 2 sau đó bị đình trệ do Kiev không muốn trao quyền tự trị cho hai miền ly khai, trong khi Nga kiên quyết không trả lại quyền kiểm soát biên giới nếu Ukraine không chuyển giao quyền lực ở Donbas.

Từ cuối năm 2021, Nga bắt đầu tập trung quân tới gần biên giới với Ukraine, làm dấy lên lo ngại Moscow muốn tấn công quốc gia láng giềng. Đáp lại, các nước phương Tây hỗ trợ rất nhiều thiết bị quân sự cho Kiev.

Theo BBC, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace ước tính rằng 60% lực lượng mặt đất của quân đội Nga đóng quân gần biên giới của Ukraine với Nga và Belarus.

Điện Kremlin bác bỏ mọi nỗ lực tấn công. Những ngày gần đây, Nga tuyên bố rút quân gần biên giới nhưng các nước phương Tây nghi ngờ thông tin này.

Tuần trước, quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn, với nhiều loạt súng và pháo kích.

Ngày 18/2, hai “nước cộng hòa” tự xưng ở Luhansk và Donetsk, miền Đông Ukraine, thông báo về việc sơ tán công dân sang Nga.

Ngày 19/2, hai miền ra lệnh tổng động viên, làm dấy lên lo ngại rằng các hành động thù địch sẽ trở nên gay gắt hơn.

Ngày 21/2, Tổng thống Putin ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” (DNR) và “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” (LNR).

Nguồn: ZING

Exit mobile version