Tổng thống Joe Biden đã thông báo rằng Hoa Kỳ và các nước G7 sẽ rút quy chế tối huệ quốc với Nga như là biện pháp trừng phạt đối với việc bắt đầu một chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tại Nhà Trắng, ông Biden nói rằng động thái này sẽ giáng “một đòn nữa vào nền kinh tế Nga”.
Tại Hoa Kỳ, quy chế tối huệ quốc được chính thức gọi là quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) và việc xóa bỏ quy chế này cần có sự chấp thuận của Quốc hội. Ông Biden cho biết Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã “đồng ý trì hoãn” dự luật chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga cho đến khi ông có thể kêu gọi các đồng minh cùng hành động. Hiện tại, cả hai viện đều nhất trí trong việc chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga.
Đối xử tối huệ quốc (MFN) là một nguyên tắc cơ bản trong thương mại quốc tế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), theo đó một quốc gia thành viên phải dành sự đối xử như nhau đối với tất cả các thành viên khác của WTO, không có ngoại lệ. Việc loại bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga mở đường cho Hoa Kỳ và các đồng minh áp đặt thuế quan đối với nhiều loại sản phẩm của Nga.
Năm 2019, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 26 của Hoa Kỳ, với kim ngạch thương mại song phương chiếm khoảng 28 tỷ đô la. Hoa Kỳ chủ yếu nhập khẩu từ Nga nhiên liệu khoáng, kim loại quý, đá, sắt thép, phân bón và hóa chất vô cơ.
Trong khi đó, Nga đã công bố lệnh cấm xuất khẩu đối với hơn 200 mặt hàng thuộc các lĩnh vực viễn thông, y tế, ô tô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ cho đến hết năm 2022. Một số sản phẩm từ ngành lâm nghiệp và đồ gỗ cũng bị cấm xuất khẩu sang “các nước thù địch”.
Theo The Hill