Chiều 28/12, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán đã tổ chức Lễ công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2021, đồng thời Tọa đàm với nội dung “Năm 2021: Chứng khoán bình thường hay bất thường”. Tiến sĩ Cấn Văn Lực đã chỉ ra 3 điểm bình thường và 3 điểm bất thường của thị trường, trong khi đó Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng cho rằng, bất thường hay không phải do cơ quan chức năng vào cuộc.
Đọc thêm: Các sự kiện chứng khoán Việt Nam 2021
1. Công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2021:
1.1 Giải bài toán nghẽn lệnh tại HOSE, thanh khoản được cởi trói
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ cả về điểm số, thanh khoản và số lượng nhà đầu tư tham gia bất chấp Covid-19. Đó cũng chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng nghẽn lệnh kéo dài trên HOSE, gây bức xúc và thiệt hại cho nhà đầu tư, tạo ra áp lực rất lớn cho cơ quan quản lý, HOSE và các đơn vị liên quan.
Ngày 5/7/2021, HOSE đã chính thức đưa vào vận hành giải pháp xử lý sự cố hệ thống giao dịch tại HOSE phối hợp với FPT xây dựng trên nền tảng phần mềm hệ thống của HNX sau 100 ngày, . Giải pháp mới với năng lực 3 -5 triệu lệnh/ngày đã vận hành ổn định, mượt mà, đáp ứng tốt nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư, bất chấp thị trường liên tiếp lập thêm nhiều đỉnh mới.
Thanh khoản thị trường đã được cởi trói và xác lập những kỷ lục mới. Giá trị giao dịch toàn thị trường bình quân trong năm 2021 tại thời điểm 17/12/2021 đạt 26.211 tỷ đồng/phiên – mức cao nhất trong suốt 21 năm. Thanh khoản sàn HOSE đã sát ngưỡng 45.560 tỷ đồng/phiên ngày 23/12/2021.Thanh khoản trên HNX và UPCoM cũng tăng bứt phá, lần lượt đạt 3.126 tỷ đồng/phiên và 1.592 tỷ đồng/phiên
1.2 Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu vượt 120% GDP
Quy mô thị trường cổ phiếu đã tăng mạnh, đạt 122,2% GDP vào ngày 12/11/2021 (tính GDP năm 2020). Theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm 2020 – 2025, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025, vốn hóa của chứng khoán 120% GDP vào năm 2025. Như vậy, với mức vốn hóa trên, mục tiêu của đề án đã hoàn thành trước 4 năm.
1.3 Hàng loạt biện pháp chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Dù đã giảm bớt sức “nóng” so với năm 2020, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục bùng nổ trong năm 2021. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính tới tháng 11/2021, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên 495.000 tỷ đồng, trong đó phát hành riêng lẻ chiếm 94,5%, ngân hàng, bất động sản tiếp tục chiếm vị trí quán quân và á quân.
Tuy nhiên, sức nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp 2021 lại nằm ở các động thái cảnh báo rủi ro đến từ các cơ quan quản lý nhà nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý, đẩy mạnh thanh tra, xử lý sai phạm trên thị trường này. Trên cơ sở kết quả kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và 2 doanh nghiệp phát hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup và Công ty CP Tập đoàn Apec Group cùng Công ty cổ phần Chứng khoán quốc tế Việt Nam (VIS).
Về mặt chính sách pháp lý, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 16 và Bộ Tài chính cũng đang gấp xây dựng dự thảo để ban hành Nghị định thay thế Nghị định 153 để tăng cường chất lượng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
1.4 Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới lập kỷ lục
Năm 2021 chứng kiến số lượng tài khoản chứng khoán gia tăng kỷ lục. Tổng số tài khoản chứng khoán là 4,08 triệu tính đến hết tháng 11/2021, trong khi thời điểm cuối năm 2020 chỉ là 2,77 triệu. Đã có hơn 1,31 triệu tài khoản mở mới trong 11 tháng của năm 2011, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước mở 1,306 triệu tài khoản. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước 11 tháng cũng gấp 3,3 lần số lượng trong cả năm 2020.
1.5 Quy mô tăng vốn của doanh nghiệp niêm yết cao kỷ lục
Ước tính, năm 2021, có 147 doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng quy mô vốn chủ sở hữu thêm 3,8%, tương đương 102.600 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần. So với năm 2019, 2020, con số này gấp tương ứng 1,4 và hơn 5 lần.
1.6 Hoàn thành “giải cứu” Vietnam Airlines
Ngày 7/7/2021, Vietnam Airlines chính thức ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại (SeABank, MSB và SHB) với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng và đến 20/9/2021 đã được giải ngân. Ngày 13/9, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng đã giải ngân gần 7.000 tỷ đồng mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phiếu của cổ đông Nhà nước theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ (các cổ đông ngoài Nhà nước mua hơn 1.000 tỷ đồng).
Như vậy, gói “giải cứu” 12.000 tỷ đồng mà Quốc hội thông qua (tháng 12/2020) đã được hoàn thành, kết thúc sự kiện “giải cứu” một công ty cổ phần lớn nhất từ trước đến nay mà Nhà nước thực hiện trên vai trò là cổ đông chính.
1.7 Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục
Năm 2021, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục trong nhiều năm qua. Tới giữa tháng 12/2021, khối ngoại đã bán ròng tới gần 60.000 tỷ đồng, chính thức vượt mốc hơn 2,5 tỷ đô la Mỹ.
Tuy nhiên việc khối ngoại bán ròng cũng chính là xu thế chung của nhiều thị trường chứng khoán quốc tế khi đại dịch xảy ra. Hơn nữa, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì đà tăng rất ấn tượng, khi lượng bán ròng của khối ngoại đều được khối nội hấp thụ hết và tác động không nhiều tới tâm lý của nhà đầu tư như nhiều năm trước. Bên cạnh đó, theo thông tin từ cơ quan quản lý, dòng vốn ngoại có rút ròng không đáng kể và thấp hơn nhiều so với nhiều thị trường mới nổi và cận biên khác. Khối ngoại dù giao dịch bán ròng, nhưng dòng tiền ngoại vẫn ở lại Việt Nam và tìm kiếm cơ hội.
1.8 VN-Index lập đỉnh lịch sử mới
GDP quý 3 tăng trưởng âm 6,17% do tác động của đại dịch Coivd-19. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán lại có bước tăng trưởng vượt bậc, tháng 4/202, VN-Index đã vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm thiết lập trong suốt lịch sử 20 năm với hai lần chạm đỉnh vào năm 2007 và 2018. Sau khi VN-Index vượt qua đỉnh lịch sử, thị trường tiếp tục thăng hoa và vươn đến đỉnh cao mới quanh 1.500 điểm.
Mặc dù thị trường liên tiếp đạt đỉnh cao lịch sử mới nhưng mức định giá lại liên tục giảm, do kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết cũng tăng trưởng vượt bậc. Giai đoạn VN-Index đạt đỉnh 1.200 điểm năm 2007, hệ số P/E của thị trường đạt 34 lần, giai đoạn đỉnh 1.200 điểm năm 2018, P/E đạt 22 lần nhưng hiện tại VN-Index quanh 1.500 điểm, P/E chỉ hơn 17 lần.
1.9 Kỷ niệm 25 năm Ngày truyền thống Ngành Chứng khoán và ra mắt Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam
Ngày 28/11/2021, Chứng khoán Việt Nam chính thức tròn 25 năm xây dựng và phát triển (28/11/1996 – 28/11/2021), vượt qua nhiều khó khăn, thử thách gặt hái được nhiều thành quả đáng tự hào.
Ngày 11/12/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam cũng chính thức ra mắt, hiện thực hóa Quyết định số 37 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách, tư duy phát triển và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường; góp phần tăng quy mô, vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam, thúc đẩy nhanh hơn quá trình nâng hạng, nhanh chóng hội nhập, thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước
1.10 Dấu ấn pháp lý của thị trường
Đầu năm 2021, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi và các nghị định hướng dẫn Luật cùng có hiệu lực, tạo hành lang pháp lý mới cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.
Thông tư số 57/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính chọn ngày 20/7/2021 – ngày thị trường chứng khoán Việt Nam tròn 21 năm khai mở – làm ngày công bố lộ trình sắp xếp lại các thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo lộ trình, chậm nhất đến hết ngày 31/12/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thống nhất tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu và chứng khoán phái sinh.
Với Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, chậm nhất đến hết ngày 30/6/2025, phải thống nhất tổ chức thị trường giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm niêm yết, thị trường giao dịch cổ phiếu của tổ chức đăng ký giao dịch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố “Danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài” vào ngày 31/8/2021, giải thích rõ Dnah mục ngành nghề quy định tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.
2. Năm 2021: Chứng khoán bình thường hay bất thường
Trong quý 3/2021, GDP tăng trưởng âm, khoảng 120.000 doanh nghiệp Việt Nam phải tạm dừng hoạt động trong năm 2021, trong đó có cả những doanh nghiệp quy mô lớn, nhưng chứng khoán Việt Nam lênvượt đỉnh về cả điểm số và thanh khoản. Dòng tiền từ nhà đầu tư nội ào ạt chảy vào sàn chứng khoán, nhưng khối ngoại bán ròng kỷ lục, gần 60.000 tỷ trong 11 tháng đầu năm.
Nhiều mã cổ phiếu ghi nhận tăng giá đến 100-400% như CMS, CEO, VTH, SDA, VKC, DZM, TC6… chỉ trong một tháng, trong khi vị thế doanh nghiệp, hiệu quả kinh doanh không có gì nổi trội. Chỉ số VN-Index, HNX-Index tăng mạnh nhưng việc huy động vốn mới vẫn không chút dễ dàng khi lãi suất trái phiếu doanh nghiệp lên tới15%, thậm chí 18%. Bộ Tài chính đã phải nhiều lần cảnh báo, phía sau đó là những câu chuyện bất bình thường.
Vậy đâu là những điểm được coi là bình thường và đâu là những điểm bất thường trong bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021? Phát biểu trong nội dung Tọa đàm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, cho hay, có điểm 3 bình thường và 3 điểm bất thường trên thị trường chứng khoán năm 2021.
3 điểm bình thường:
Thứ nhất, chứng khoán lập nhiều kỷ lục năm 2021 trong bối cảnh nền kinh tế lập kỷ lục về tốc độ tăng trưởng GDP âm trong quý 3. Tuy nhiên, nên nhớ rằng thời gian qua dòng vốn rẻ nhiều, tiền rẻ trên thế giới cũng như Việt Nam. Việt Nam ta vốn rẻ từ 3 nguồn, đâu đó có phần hỗ trợ Chính phủ; tiền gửi từ ngân hàng sang chứng khoán đầu tư; lãi suất thấp toàn cầu chính vì thế cho vay kinh doanh chứng khoán, margin tăng trưởng tích cực tốt. Đó là bình thường thứ nhất, vốn rẻ.
Thứ hai, kinh tế thế giới phục hồi khả quan tăng 5,6-5,9%. Nền tảng doanh nghiệp, theo dõi số liệu về tài chính năm nay tương đối tốt, đa số lợi nhuận doanh nghiệp tăng 20-23% dẫn đến việc thị trường tăng trưởng, lợi nhuận tích cực. Hệ số PE là 17 lần chứ không phải 25-23 lần.
Thứ ba, bình thường là sức cầu đầu tư vào thị trường chứng khoán nhiều. Có ba lý do: Dịch kinh doanh khó khăn nhà đầu tư cá nhân tổ chức chuyển hướng; thứ hai là giãn cách câu chuyện kinh doanh trực tuyến phổ biến; thứ ba tương quan bất động sản và chứng khoán nhiều nhà đầu tư bất động sản chốt lời tốt sang đầu tư chứng khoán đặc biệt cuối kỳ cuối năm.
3 điểm không bình thường:
Thứ nhất, rõ ràng thị trường tăng nóng vì so toàn cầu, năm ngoái toàn cầu GDP âm 3,1% nhưng dòng vốn rẻ nhiều lý do nữa toàn cầu chứng khoán vẫn tăng 14%. Riêng năm nay toàn cầu phục hồi tốt kinh tế tăng trưởng 5,6% nhưng chỉ số chứng khoán tăng 20% So sánh với Philipines, năm nay khả năng họ phục hồi và tăng trưởng tốt nhưng chứng khoán tăng 2% trong khi chúng ta là 35% dù kinh tế phục hồi tương tự như họ. Do đó chứng khoán có phần hơi nóng và hơi lệch pha với kinh tế thực, thậm chí cả năm nay tăng ở mức 2,2-3% nhưng chứng khoán tăng 35% rồi. Chỉ số bớt nhạy cảm hơn với tin nóng cũng đặt ra câu hỏi phải chăng sự lệch pha nóng.
Thứ hai, có hiện tượng tâm lý đám đông, nhiều doanh nghiệp tôi không nêu chính xác nhưng có một số doanh nghiệp làm ăn không tốt giá cổ phiếu lên nhanh phát hành cổ phiếu trái phiếu thành công.
Cuối cùng, tính thiếu bền vững, chỉ số chúng ta năm nay đến thời điểm hiện tại 35% tập trung 6 lĩnh vực, ngân hàng, bất động sản, thực phẩm, tài nguyên cơ bản, vật liệu xây dựng và dịch vụ tài chính. 6 lĩnh vực này chiếm 77% vốn hoá thị trường. Nếu như một trong 6 lĩnh vực có vấn đề thị trường cũng sẽ khó khăn. “Đó là ba cái bất thường. Cơ quan quản lý nên vào cuộc kiểm soát bất bình thường tôi vừa phân tích”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực kiến nghị.
3. Bất thường hay không phải do cơ quan chức năng vào cuộc?
Tham gia tọa đàm, Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng lại cho rằng, sự tăng trưởng đột biến này thực tế lại là bình thường. Ví dụ như thanh khoản tăng kỷ lục là điều mơ ước thị trường từng nghĩ đến, số lượng tài khoản mở nhiều mà 2 năm trước đây cũng không thể ngờ tới. Nhà đầu tư chuyển tiền tiết kiệm sang đầu tư chứng khoán cũng là điều mà nhiều năm chúng ta mong muốn làm được nay đã thành hiện thực.
“Khi Uỷ ban Chứng khoán ra đời, hai chức năng đưa ra là xây dựng và kiểm soát thị trường. Thời gian qua xây dựng thị trường tốt rồi và 21 năm sau là hiện nay mới quay sang tập trung kiểm soát thị trường”, ông Nguyễn Duy Hưng Chủ tịch SSI |
Trước đây khối ngoại dẫn dắt thị trường mua thì cổ phiếu nào thì cổ phiếu đó tăng, bán cổ phiếu nào thì cổ phiếu đó giảm. Năm nay bất thường nhà đầu tư nước ngoài không dẫn dắt thị trường nữa họ bán thì thị trường vẫn lên và tăng trưởng.
Theo Chủ tịch SSI, đối với tình trạng cổ phiếu rác tăng nhiều dù nền tảng kinh doanh không tốt lên, trong thị trường có cầu thì giá mới lên chứ bất thường hay bình thường thì không nằm ở sự hiện diện trên thị trường mà cơ quan chức năng phải xem xét có ai không công bố, đưa ra giao dịch ảnh hưởng đến giá thì mới là bất thường.
“Có cái bất thường tôi nghĩ cần làm đó là huy động trái phiếu doanh nghiệp không kiểm soát được, có người chào bán trái phiếu trên facebook tôi nghĩ đó mới là bất thường. Tóm lại, nếu đặt câu hỏi cái gì bất thường hay bình thường tôi nghĩ cần có cơ quan đánh giá, xem cụ thể để đánh giá” ông Hưng nhấn mạnh.
Còn ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc DCVFM cho rằng, vấn đề bất thường nhất là thị trường được tăng trưởng dựa trên nhiều người là F0 mà kiến thức tài chính chưa tốt, hội chứng Fomo sợ bỏ lỡ thị trường, sợ bỏ qua sóng và lỡ cơ hội kiếm tiền. Ngoài ra, thị trường trái phiếu có giai đoạn phát triển nóng 2 năm trở lại đây.
“Theo cá nhân tôi, để thực sự đưa ra sự hiểu biết cho nhà đầu tư thị trường trái phiếu có lẽ chúng ta cần một khoảng default của một trái phiếu nào đó để mọi người nhận ra. Ở góc độ nào đó rung tiếng chuông cảnh báo toàn thị trường. Và như thế cũng sẽ tốt để chứng minh thị trường Việt Nam hoạt động bình thường chứ không phải theo kiểu ai cũng muốn phát hành trái phiếu ai cũng có thể trả nợ”, ông Minh nhấn mạnh.
Nguồn: ViMoney Tổng hợp