Năm 2021, Grab Việt Nam lỗ hơn 300 tỷ đồng

Năm 2021, Grab Việt Nam lỗ hơn 300 tỷ đồng

Năm 2021, lợi nhuận của Grab Việt Nam âm 300,5 tỷ đồng. Tính đến hết năm ngoái, Grab lỗ lũy kế 4.365 tỷ.

Hoạt động kinh doanh của Grab Việt Nam trong năm 2021

Theo báo cáo tài chính năm 2021, doanh thu của Grab Việt Nam giảm 11% so với năm trước đó, xuống còn 3.345 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng lại tăng nhẹ khiến lợi nhuận gộp của Grab giảm 19,5%, còn 1.950 tỷ đồng.

Sau khi lãi hơn 243 tỷ đồng vào năm 2020, chủ yếu nhờ vào chi phí bán hàng tăng mạnh thì năm 2021, Grab Việt Nam lỗ khoảng 300,5 tỷ đồng sau khi trừ các chi phí. Năm 2021, chi phí bán hàng của Grab Việt Nam là 1.926 tỷ đồng, so với năm 2020 tăng gần 390 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí quảng cáo tăng 96 tỷ lên 303 tỷ, tiền khuyến mại tăng 293 tỷ lên khoảng 1.622 tỷ. Trong bối cảnh các đối thủ trên thị trường như Gojek, ShopeeFood hay người chơi mới Baemin vẫn mạnh tay chi tiền thì con số này phản ánh phần nào việc Grab vẫn đều đặn tung các mã khuyến mại để giữ chân khách hàng cũ và thu hút người dùng mới.

Theo ghi nhận, tính đến hết năm ngoái, Công ty TNHH Grab có khoản lỗ luỹ kế 4.365 tỷ đồng. Tuy vậy, phần vốn góp của công ty vẫn duy trì ở mức 20 tỷ đồng. Trong đó, bà Lý Thị Bích Huyền là người nắm giữ 51%. 49% còn lại do Grab Inc – một doanh nghiệp được thành lập tại Singapore nắm giữ.

Thông tin trên website Grab giới thiệu, hiện bà Bích Huyền là người đại diện pháp luật, kiêm giám đốc điều hành Grab Việt Nam. Trước đó, bà Nguyễn Thái Hải Vân là người nắm giữ vị trí này và đã từ nhiệm hồi tháng 3.

Kết quả kinh doanh của Grab Việt Nam một vài năm trở lại đây (Ảnh: VnExpress).

Tính đến hết năm 2021, vốn chủ sở hữu của Grab Việt Nam âm tới 4.345 tỷ đồng nhưng tổng nguồn vốn của vẫn đạt gần 1.350 tỷ đồng, nhờ vào các khoản nợ và vay tài chính dài hạn là chủ yếu.

Ngày 31/12/2021, công ty này có khoản vay dài hạn trị giá gần 4.279 tỷ đồng từ hai đơn vị. Trong đó, GrabTaxi Holdings cho vay 3.373 tỷ đồng; Grab Inc cho vay 905 tỷ đồng. Được biết, các khoản vay này bằng USD với lãi suất 0% và không có tài sản đảm bảo.

Khó khăn của Grab trong giai đoạn mới

Sau 2 năm đại dịch bị ảnh hưởng nặng nề, đến khi khôi phục hoạt động, Grab cũng như nhiều hãng gọi xe khác vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Gần đây nhất, giá xăng tăng cao, cộng với sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực này, Grab đã phải chật vật giữ chân tài xế.

Mới đây, Grab thông báo về việc thu phụ phí nắng nóng từ ngày 6/7. Thông báo này đã gây bức xúc đối với tài xế cũng như khách hàng.

Grab nói muốn có thể hỗ trợ giảm thêm phần nào sự vất vả trong quá trình tài xế thực hiện đơn hàng. Nhưng tài xế và khách hàng cho rằng, chính sách không nêu rõ ràng tiêu chí xác định nắng nóng gay gắt. Chưa kể, Grab liệu có thu chiết khấu đối với khoản thưởng này hay không. Nếu có, họ cho rằng, hãng đang kiếm lời lợi dụng vào yếu tố thời tiết.

Sau vụ việc, Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã đề nghị Grab Việt Nam làm rõ việc thu phụ phí nắng nóng cũng như cách phân chia với tài xế trước ngày 18/7. Nhưng tính đến nay, công ty vẫn chưa thông tin về vấn đề này.

Exit mobile version