Năm 2021: Nhiều kỳ vọng vào xuất khẩu cá tra và tôm

Năm 2021: Nhiều kỳ vọng vào xuất khẩu cá tra và tôm

Phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng của dịch Covid đối với ngành thủy sản có những dấu hiệu khả quan, đáng mừng. Đặc biệt là đối với xuất khẩu cá tra, xuất khẩu tôm.

Xuất khẩu cá tra năm 2021 có thể đạt 1,54 tỷ USD

Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, bà Lê Hằng chia sẻ, theo dự kiến thì kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2021 đạt 1,54 tỷ USD.

Trong khi xuất khẩu cá tra tăng trưởng liên tục từ đầu năm đến hết tháng 7/2021 thì bị sụt giảm mạnh vào thời điểm tháng 8-10 do tác động của dịch Covid-19. Khi mà các doanh nghiệp phải thực hiện giãn cách xã hội, tiến hành sản xuất “3 tại chỗ”.

Nhờ triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về việc tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, từ tháng 11, xuất khẩu cá tra đã có những tín hiệu hồi phục tốt. Xuất khẩu cá tra tháng này đã tăng trên 50%.

Theo chia sẻ của bà Lê Hằng, trong khi các thị trường khác sụt giảm đáng kể thì Mỹ là thị trường có sự tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2021, ở mức gần 50%. Thị trường Mỹ đang chiếm tỷ trọng 22%. Nhu cầu nhập khẩu cá tra của nó tăng mạnh kể từ sau chiến dịch tiêm vaccine cũng như các gói phục hồi kinh tế.

Ngoài ra, Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất của cá tra xuất khẩu Việt Nam, ở mức 28%. Trong tháng 11, xuất khẩu cá tra ở thị trường này phục hồi mạnh, ở mức 79%. Tuy nhiên, thời gian tới, việc xuất khẩu cá tra sang thị trường này rất khó đoán định bởi chính sách “Zero Covid” của quốc gia này.

Xuất khẩu loại cá này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ các Hiệp định Thương mại tự do giúp xúc tiến thương mại sang nhiều thị trường, trong đó có những thị trường nhỏ nhưng tiềm năng như: Brazil, Mexico, Nga, Thái Lan, Colombia…

Theo ước tính, sản lượng thu hoạch cá tra cả năm 2021 sẽ đạt 1,5 triệu tấn. Có khả năng, kết quả sản xuất cá tra sẽ đạt 100% đặt ra so với kế hoạch năm 2021.

Tuy nhiên, Tổng cục Thủy sản nhận định, khả năng từ 1-3/2022 có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế do diện tích thả nuôi cá tra trong tháng 7-9/2021 giảm mạnh.

Xuất khẩu tôm chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu

Là mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh nhất, tôm hiện chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Bị giảm sút vào giai đoạn tháng 8-9/2021 nhưng sau đó, doanh nghiệp sản xuất tôm đã hồi phục trở lại.

Theo bà Lê Hằng, xuất khẩu tôm trong tháng 11 đạt trên 367 triệu USD. Trong 11 tháng, giá trị xuất khẩu của mặt hàng này đạt trên 3,5 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng 3,4%. Trong khi các thị trường khác chững hoặc giảm nhẹ so với năm ngoái thì Mỹ, Australia, EU lại là những thị trường xuất khẩu mặt hàng này có mức tăng trưởng mạnh nhất.

Trong đó, Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam lớn nhất với 28% tổng giá trị tôm xuất khẩu. Đây là thị trường có nhiều cơ hội cho tôm Việt Nam. Tiếp đó, Nhật Bản là thị trường đứng thứ 2, chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu lại thủy sản này. Thị trường này tiêu thụ tôm sú lớn nhất và cũng có giá xuất khẩu trung bình cao nhất.

Từ tháng 10, xuất khẩu tôm sang EU có sự hồi phục tốt. Hiện nay, Việt Nam đang là nguồn cung tôm lớn cho Đức, Hà Lan, Bỉ.

Ngược lại, tại thị trường Trung Quốc, việc xuất khẩu tôm liên tục giảm mạnh. Giá trị xuất khẩu tôm sang Trung Quốc giảm trên 24%, đạt giá trị trên 375 triệu USD. Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ việc kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh tại các cảng nhập khẩu ở cả đường hàng không, biên giới và đường biển.

Theo dự báo của bà Hằng dự báo, nhu cầu tôm sẽ đến từ các thị trường Mỹ, Australia, EU, Hàn Quốc, Canada…; Trong đó Mỹ vẫn đóng vai trò là thị trường chi phối sự tăng trưởng của sản phẩm tôm. Xuất khẩu sang Trung Quốc được kỳ vọng là sẽ khả quan hơn trong năm 2021.

Có điều, dịch Covid-19 được cho là sẽ tiếp tục tác động đến sản xuất, chế biến và thương mại tôm. Chưa kể, cước vận tải biển, chi phí vận tải tăng sẽ khiến lợi nhuận, sự cạnh tranh của tôm Việt bị ảnh hưởng…

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version