Năm 2022, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ khó hơn

????????????????????????????????????

Từ năm 2022, khi Trung Quốc áp dụng một số chính sách mới khắt khe hơn, xuất khẩu nông sản Việt vào thị trường này sẽ khó chồng thêm khó.

Xuất khẩu năm 2021 đã khó…

Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), 8 tháng đầu năm 2021, nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt trên 6 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã quyết định tạm ngừng nhập khẩu thanh long tại các cửa khẩu Hà Khẩu và Thiên Bảo, thuộc tỉnh Vân Nam với lý do hàng hóa Việt Nam bị nghi nhiễm SARS-CoV-2, khiến cho thanh long trong nước giảm giá mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến người nông dân.

Nhưng, không chỉ có thanh long, xuất khẩu các mặt hàng nông sản khác cũng gặp nhiều hạn chế. Hiện Việt Nam có 9 loại trái cây tươi được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này là: xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và măng cụt (song hiện mít chưa có mã HS riêng). Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất là thanh long (99,9% thanh long của Trung Quốc nhập từ Việt Nam); tiếp đến là sản phẩm chuối, dưa hấu, nhãn, xoài…

Trong thời gian qua, nước ta đã nhiều lần đàm phán để cắt giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc. Song đến nay, vẫn còn nhiều loại nông sản chủ lực chưa được Trung Quốc cấp phép chính ngạch như: sầu riêng, khoai lang, chanh leo, na, bưởi, tổ yến, sứa ướp muối, tôm sú, tôm thẻ ướp đá… để tận dụng các ưu đãi theo hiệp định này.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung Quốc có xu hướng mở rộng áp dụng hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhất là trong bối cảnh đại dịch bùng phát nhiều tháng qua, nước này tăng cường kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt khu vực cửa khẩu biên giới đất liền để phòng, chống Covid-19, khiến tiến độ thông quan hàng hóa của nước ta sang thị trường này bị gián đoạn, đình trệ.

Năm 2022 sẽ còn khó hơn…

Đáng chú ý, với những quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 do Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” (Lệnh 249) và “Quy định về đăng ký và quản lý DN sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” (Lệnh 248) được dự báo sẽ khiến cho nông sản Việt khó chồng thêm khó khi xuất khẩu vào thị trường lớn hàng đầu này.

Để ứng phó với thực tế trên, theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất là chúng ta cần nâng cao năng lực thực thi các cam kết về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch, động thực vật (SPS). Chỉ khi hàng hóa đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng, an toàn thì doanh nghiệp mới tránh được rủi ro và xuất khẩu bền vững, không chỉ tại thị trường Trung Quốc mà còn cả các thị trường mà nước ta đang có FTA.

Dự kiến cuối năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án nâng cao năng lực thực thi các cam kết về SPS, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông – lâm – thủy sản của Việt Nam.

Các địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp nên sớm triển khai tổ chức lại sản xuất, đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu có chất lượng và có giá trị gia tăng cao; chú ý coi trọng công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch…

Bên cạnh đó, theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), doanh nghiệp Việt cần tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ phương thức xuất khẩu “trao đổi cư dân”, sang xuất khẩu có hợp đồng cụ thể, tuân thủ theo các thông lệ quốc tế, nhất là với các sản phẩm có tính mùa vụ cao như trái cây tươi.

Bộ Công thương cũng đã có đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc triển khai hoạt động đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản, theo quy định tại Lệnh số 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài”, Lệnh số 249 “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Trong đó, cơ quan quản lý sẽ đặc biệt chú ý ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các hợp tác xã xuất khẩu. Do đó, các tổ chức, doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu và thực hiện chuyển đổi kịp thời phương thức xuất khẩu, tránh chậm trễ gây ra rủi ro đáng tiếc.

Bộ Công thương sẽ phối hợp với bộ, ngành chức năng tổ chức thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về thương mại và phổ biến hướng dẫn cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn mới của Trung Quốc; kết nối, mời các doanh nghiệp nước ngoài ký kết hợp đồng với doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ hướng dẫn, giám sát quá trình thu mua, đóng gói nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường này

Exit mobile version