Nan giải bài toán thưởng Tết 2022

Nan giải bài toán thưởng Tết 2022

Thưởng Tết 2022 trở thành bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp đang trong giai đoạn phục hồi sản xuất.

Công ty có lợi nhuận, thưởng Tết 2022 mới đến tay công nhân

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, 63.000 doanh nghiệp trên cả nước đã báo cáo về lương và thưởng Tết. Theo đó, Tết Dương lịch, bình quân mỗi người được thưởng 2,3 triệu đồng và cao nhất là một doanh nghiệp tài chính ở TP.HCM đã thưởng lên tới 990 triệu đồng. Trong khi đó, Tết Nguyên đán, mức thưởng bình quân là 6,3 triệu đồng/người.

Năm nay, các doanh nghiệp đều đang rất trăn trở về vấn đề thưởng Tết, khi mà sau gần 2 tháng trở lại sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp vẫn đang oằn mình trở lại đường đua.

Ông Nguyễn Viết Anh, đại diện một doanh nghiệp may ở TPHCM cho biết, việc đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa khiến chi phí nguyên liệu tăng 10-20%, chi phí vận chuyển tăng gần 10 lần, chi phí đảm bảo phòng chống dịch cũng vô cùng tốn kém.

Theo ông Viết Anh, mọi năm công ty sẽ có mức thưởng từ 5 – 50 triệu đồng/một nhân viên tùy theo thâm niên và chức vụ. Tuy nhiên năm nay, mức thưởng Tết có thể chỉ tượng trưng gồm một tháng lương cơ bản hoặc phần quà.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc doanh nghiệp gỗ tại quận Tân Phú cho hay năm nay chưa dám nghĩ đến việc thưởng Tết cho người lao động. Thay vào đó, doanh nghiệp này đang tìm kiếm đơn hàng mới để duy trì công việc, lương cơ bản cho người lao động.

“Năm nay, thưởng Tết có thể không có hoặc phải đợi đến khi công ty có lợi nhuận mới có thể chi đến tay công nhân”, ông Dũng nói.

Lương thưởng khả quan ở một số lĩnh vực

Ông Dũng bày tỏ mong muốn người lao động có thể đồng cảm, chia sẻ thêm với doanh nghiệp trong dịp thưởng Tết năm 2022. Khi hồi phục sản xuất, các doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều chế độ tăng lương, thưởng để bù đắp cho người lao động vì “mất” thưởng Tết.

Làm trong lĩnh vực dệt may, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 Bạch Thăng Long cho hay, năm 2021, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch bệnh. Lĩnh vực dệt may không thiếu các đơn hàng, chỉ thiếu người.

Doanh thu của doanh nghiệp này tăng hơn so với năm trước và lợi nhuận tương đương năm ngoái, vào khoảng 80 tỷ đồng. Dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại không tăng do tốn kém trong chi phí phòng chống dịch…  

Ông Long chia sẻ, năm nay vẫn cố gắng duy trì mức thưởng Tết bằng năm trước là khoảng 1,5 tháng lương.

Riêng khối doanh nghiệp vận tải dường như vẫn chật vật trong việc khôi phục sản xuất. Ông Nguyễn Công Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, vừa hoạt động lại thì giá xăng dầu tăng cao, lái xe taxi gần như chỉ lấy công làm lãi. Bởi vậy, theo như ông Hùng, mọi năm đến thời điểm này các doanh nghiệp đã tính tới thưởng Tết. Tuy nhiên năm nay chỉ lo có việc làm cho người lao động để có thu nhập đã là may mắn.

Nhận định về thưởng Tết sắp tới, chuyên gia lao động Phạm Minh Huân, vốn là nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, tình hình thưởng Tết sẽ giảm, nhưng các doanh nghiệp còn hoạt động sẽ có các khoản hỗ trợ, thưởng để động viên và giữ chân người lao động sau 1 năm vất vả.

Du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng, vận tải khách… là những lĩnh vực vẫn gặp khó khăn. Tuy nhiên, tài chính ngân hàng, ô tô, chứng khoán, y tế, thương mại điện tử, dược phẩm… là một số lĩnh vực vẫn hoạt động tốt nên lương, thưởng sẽ khả quan.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version