NAV là gì?
NAV (Net Asset Value) là chỉ số giá trị tài sản thuần của một công ty.
Vốn của một công ty thông thường sẽ được cung cấp bởi 2 nguồn chính là nguồn vốn từ cổ đông và vốn vay. Nếu công ty có vốn điều lệ thấp mà tài sản thể hiện ra bên ngoài cao thì nguồn này là do vốn vay. Trong khi đó, chỉ số NAV chỉ tính giá trị tài sản của công ty do các cổ đông đóng góp, do đó, qua chỉ số này có thể xác định được giá trị tài sản ròng của công ty và các cổ đông để nhận biết được bản chất thật sự của công ty có tương xứng với vẻ bên ngoài hay không.
Công thức tính NAV:
NAV = (Tổng tài sản – Tổng nợ phải trả)/Tổng số cổ phiếu đang lưu hành
Như vậy, NAV bao gồm các thành phần:
– Vốn điều lệ (phần góp vốn của các cổ đông);
– Vốn được tạo ra từ lợi nhuận của doanh nghiệp;
– Vốn được tạo ra từ phát hành cổ phiếu.
Sự khác biệt giữa chỉ số NAV với giá cổ phiếu
– NAV là giá trị tài sản thuần của công ty, phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình thực tế của doanh nghiệp, còn giá cổ phiếu được xác định bằng mức chi phí mà nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra để giao dịch, trong một số trường hợp có thể bị thao túng do đầu cơ.
– Giá cổ phiếu có thể tăng giảm bởi người bán – mua, yếu tố cung cầu, tác động xu hướng thị trường và có thể cao hoặc thấp hơn giá trị NAV. Sự chênh lệch này cho thấy mức độ ổn định, định giá của thị trường về giá trị doanh nghiệp có chính xác hay không.
– NAV được chốt theo ngày, phụ thuộc hoàn toàn vào tài sản ròng hiện tại của công ty. Trong khi, giá cổ phiếu sẽ biến động theo từng thời điểm, do người mua và người bán quyết định.
Chỉ số NAV có ý nghĩa gì?
NAV là chỉ số quan trọng để các nhà đầu tư dựa vào tính toán và phân tích để đánh giá cổ phiếu của công ty để đưa ra quyết định đầu tư:
– Nếu mệnh giá cổ phiếu của công ty phát hành thấp hơn so với giá trị NAV: Công ty đã sẵn nguồn vốn tích lũy phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Vốn này được lấy nhiều phần từ nguồn lợi nhuận của công ty, nên nhà đầu tư có thể yên tâm mua cổ phiếu.
– Nếu NAV không đổi nhưng doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận cao: Nhà đầu tư vẫn có thể tiếp tục đầu tư bởi cổ phiếu của công ty có thể đem lại mức lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn.
– Nếu NAV không đổi nhưng công ty lại làm ăn thua lỗ, đồng thời số tiền vay nợ cao hơn nhiều so với giá trị NAV: Công ty đang đối mặt với nhiều rủi ro, nhà đầu tư cần thận trọng với quyết định đầu tư.
Tóm lại, NAV là chỉ số đánh giá giá trị thật của một công ty để hỗ trợ nhà đầu tư ra quyết định mua cổ phiếu của công ty đó. Yếu tố quan trọng nhất là “lợi nhuận” nên được đặt lên hàng đầu, vì đó là cơ sở chính để đánh giá khả năng sinh lời của việc sử dụng vốn của công ty.