Điểm tên các nền kinh tế có nguy cơ suy thoái trong 12 tháng tới

Theo nhà kinh tế trưởng tại công ty môi giới Nomura, nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới khi các ngân hàng trung ương mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lại lạm phát gia tăng.

Ông Rob Subbaraman – kinh tế trưởng kiêm trưởng bộ phận phân tích thị trường toàn cầu của Nomura, bày tỏ: “Ngay bây giờ, nhiệm vụ duy nhất của nhiều ngân hàng trung ương là phải hạ nhiệt lạm phát. Sự tín nhiệm của công chúng đối với chính sách tiền tệ là một tài sản quý giá, các nhà hoạch định hẳn sẽ không muốn mất đi lòng tin này. Vì vậy, họ đang hành động rất gấp rút và tích cực”.

“Điều đó có nghĩa trước mắt, các ngân hàng trung ương sẽ phải tăng lãi suất rất mạnh tay. Chúng ta đã liên tục phải chịu rủi ro khủng hoảng trong những tháng qua. Và hiện tại, khá nhiều nền kinh tế đang rơi vào suy thoái”, ông nói thêm.

Năm ngoái, nhiều chuyên gia kinh tế đã kỳ vọng 2022 sẽ là năm kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, lạm phát đã tăng lên mức hai con số trong khi tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới đi xuống, gây nên “lạm phát đình trệ”. Các ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 và căng thẳng leo thang ở Ukraine đã đẩy tỷ lệ lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ ở nhiều quốc gia.

Ngoài Mỹ, công ty Nomura cũng phỏng đoán diễn biến suy thoái khu vực bao gồm Vương quốc Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Canada vào năm tới. Theo ông Rob Subbaraman, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã duy trì “chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo” quá lâu bởi hy vọng lạm phát chỉ là tạm thời. Giờ đây, chính phủ nhiều nước phải thay đổi và cố gắng giành lại quyền kiểm soát giá cả.

Suy thoái ở Mỹ: không sâu nhưng kéo dài

Ở Mỹ, Nomura dự báo một cuộc suy thoái không quá sâu sắc nhưng kéo dài trong 5 quý bắt đầu từ quý cuối cùng của năm 2022.

“Nước Mỹ sẽ rơi vào suy thoái, tăng trưởng GDP hàng quý sẽ bắt đầu suy giảm từ quý IV năm nay. Đây sẽ là một cuộc suy thoái nông nhưng kéo dài tương đối. Chúng tôi tin kinh tế sẽ sa sút trong 5 quý liên tiếp”, ông Subbaraman nhận định.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và  Ngân hàng Trung ương Châu Âu đang cố gắng kìm dây cương lạm phát cao kỷ lục bằng việc tăng lãi suất. Ngày 15/6, Fed đã nâng lãi suất chính sách thêm 75 điểm cơ bản, qua đó đưa lãi suất lên phạm vi 1,5% đến 1,75%. Động thái mạnh tay này chủ yếu là nhằm khống chế lạm phát đang ở mức đỉnh 40 năm.

Rủi ro với các nền kinh tế quy mô trung bình

Trong báo cáo nghiên cứu của mình, các nhà nghiên cứu của Nomura cũng nhấn mạnh đến một số nền kinh tế quy mô trung bình, như Australia, Canada và Hàn Quốc, sẽ có nguy cơ suy thoái sâu hơn dự kiến nếu lãi suất tăng cao làm vỡ bong bóng nhà đất. Nomura chỉ ra chỉ riêng Trung Quốc có khả năng phục hồi khỏi suy thoái dù nước này thực hiện chính sách zero-Covid nghiêm ngặt.

Ông Subbaraman cảnh báo: “Nếu các ngân hàng trung ương không thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát ngay bây giờ, thì nền kinh tế sẽ còn chịu nỗi đau và thiệt hại khủng khiếp hơn khi lạm phát tăng cao và kéo dài dai dẳng hơn.”

Exit mobile version