Nhiều khả năng, Nga sẽ hạ lãi suất cơ bản, ưu tiên chi tiêu ngân sách để thích ứng với cuộc chơi tài chính mới được thiết lập.
Ngân hàng Trung ương Nga phát huy sở trường
Đối mặt với lạm phát gia tăng chóng mặt ở mức cao chưa từng thấy cùng cảnh báo suy thoái kinh tế kinh khủng nhất kể từ năm 1994, Nga quyết tâm “thay máu” nền kinh tế. The World Bank dự báo nền kinh tế Nga sẽ suy giảm ít nhất 11% trong năm 2022.
Bước đi tiếp theo, nhiều khả năng Nga sẽ hạ lãi suất cơ bản, ưu tiên chi tiêu ngân sách để thích ứng với khủng hoảng trừng phạt từ phương Tây.
Vào ngày 18/4 vừa qua, Tổng thống Putin cho biết Nga nên tăng cường chi tiêu ngân sách quốc nội để hỗ trợ nền kinh tế khi các hoạt động cho vay đang dần yếu thế. Trước đó, ngày 28/2, Nga đã tăng gần gấp đôi lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20% khi đồng tiền của nước này mất 50% giá trị so với đồng USD.
Đến ngày 8/4, Nga hạ 300 điểm lãi suất chủ chốt xuống 17%. Mặc dù đồng ruble có trạng thái không ổn định khi khối lượng giao dịch trên Sở giao dịch Moscow ở mức dưới mức trung bình. Song, về cơ bản, nó đã phục hồi gần như hoàn toàn về mức trước xung đột Ukraine nổ ra.
Nữ tướng của Ngân hàng trung ương Nga – bà Elvira Nabiullina mạnh mẽ lên tiếng: “Nhiều khả năng chúng tôi phải hạ lãi suất cơ bản thêm vì cần phải tạo điều kiện để tín dụng trong nước phát triển”.
Mặc dù đang đứng trên đỉnh lạm phát nhưng Nga sẽ không cố gắng hạ lãi suất quá thấp, đồng thời buộc nền kinh tế cần có thêm “kháng thể” để thích nghi bằng nguồn dự trữ vốn có.
Ngân hàng Trung ương Nga mong muốn đưa CPI về mục tiêu 4% trong năm 2024 trong điều kiện nền kinh tế nội địa đã thích nghi cơ bản với các lệnh trừng phạt do Mỹ khởi xướng.
Thích ứng tài chính
Nga hứng chịu cơn mưa trừng phạt lớn chưa từng có, hơn 300 tỷ USD trong số 640 tỷ USD ngoại hối của Nga bị phương Tây đóng băng sau xung đột xảy ra ở Ukraine.
Bà Elvira Nabiullina cho biết thêm Moscow đang lên kế hoạch cụ thể để thực hiện các hành động pháp lý xung quanh việc phong tỏa tài sản của người Nga. Trong 1 cuộc nói chuyện với người đồng cấp, bà Nabiullina nói: “Các lệnh trừng phạt ảnh hưởng chủ yếu đến thị trường tài chính và nền kinh tế”.
“Trong tương lai là hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu để các doanh nghiệp ở Nga cần phải thích ứng. Các nhà sản xuất Nga sẽ cần tìm kiếm các đối tác và thỏa thuận mới”, nữ Thống đốc ngân hàng trung ương Nga nhấn mạnh.
Vào tháng 2, Nga đã ra lệnh cho các công ty xuất khẩu, bao gồm một số nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới từ Gazprom đến Rosneft sẽ phải bán 80% lượng dự trữ ngoại hối trên thị trường.
Không chỉ vậy, Nga tạm thời nới lỏng các hạn chế đối với trạng thái ngoại tệ mở của các ngân hàng.
Ở thời điểm nhạy cảm, dù Nga có khiến câu chuyện năng lượng phức tạp hơn ở thị trường châu Âu thì xét theo góc độ nào đó, chính Nga cũng đang chịu quá nhiều thương tổn bởi nhu cầu và những biến động không ngờ tới trên thị trường dầu khí.
Nền kinh tế Nga vẫn còn là 1 ẩn số trong năm 2022 thậm chí nhiều hơn nữa sau những căng thẳng xung quanh vấn đề với Ukraine. Mặc dù được chuẩn bị tâm thế đối đầu với phương Tây nhưng chắc chắn Nga sẽ phải hứng chịu nỗi đau suy thoái trong ngắn hạn và cả dài hạn.
Zoe (Nguồn Reuters)