Nga và Ukraine kết thúc vòng đàm phán hòa bình thứ hai, đồng ý mở hành lang nhân đạo

ViMoney: Nga và Ukraine kết thúc vòng đàm phán hòa bình thứ hai, đồng ý mở hành lang nhân đạo

Ngày 3/3 (rạng sáng 4/3 theo giờ Việt Nam), Nga và Ukraine đã khép lại vòng hai của cuộc đàm phán hòa bình, nhất trí mở hành lang nhân đạo.

ViMoney: Nga và Ukraine kết thúc vòng đàm phán hòa bình thứ hai, đồng ý mở hành lang nhân đạo h1Cờ của Ukraine (trái) và Nga trên bàn đàm phán ở Belovezhskaya Pushcha thuộc vùng Brest, Belarus. Ảnh: Tass

Theo truyền thông nhà nước Nga, phái đoàn của hai nước đã khép lại vòng thứ hai của cuộc đàm phán hòa bình. Dù hai bên chưa đạt được thỏa thuận đình chiến hay chấm dứt hoạt động quân sự đặc biệt hiện nay của Nga ở Ukraine, nhưng các vấn đề nhân đạo đã đạt được nhiều tiến bộ.

Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Trưởng phái đoàn Nga, Boris Medinsky cho biết, Nga và Ukraine đã đàm phán về hình thức hành lang nhân đạo an toàn để người dân Ukraine sơ tán khỏi các thành phố và chuyển viện trợ, cũng như vấn đề hòa giải chính trị trong tương lai.

Medinsky nói: “Chúng tôi đã đạt được sự hiểu biết lẫn nhau về một số vấn đề được thảo luận, nhưng vấn đề chính đang được giải quyết hôm nay là giải cứu những thường dân bị mắc kẹt trong vùng chiến sự.

Leonid Slutsky, một thành viên khác của phái đoàn Nga, nói thêm rằng các quan chức đàm phán của hai nước đã đạt được hiểu biết chung về vấn đề này, nhưng quân đội Nga và Ukraine vẫn chưa quyết định các chi tiết cụ thể.

Theo Slutsky, quân đội Nga sẽ sớm bắt đầu mở các hành lang nhân đạo ở Ukraine.

Về phần mình, cố vấn Tổng thống Ukraine, Trưởng đoàn đàm phán Mykhailo Podolyak cho biết “Rất tiếc chúng tôi vẫn chưa đạt được thỏa thuận đình chiến như mong đợi”, nhưng hai bên đã đồng ý gặp lại nhau trong thời gian tới. Ông từ chối tiết lộ ngày cụ thể.

“Hai bên đã đi đến sự hiểu biết về việc thiết lập các hành lang nhân đạo chung với một lệnh ngừng bắn tạm thời”, ông Podolyak nói. Nga và Ukraine sẽ sớm mở các kênh liên lạc và phối hợp để tổ chức các hành lang nhân đạo này.

Các nhà đàm phán của Nga (phải) và Ukraine bắt tay nhau tại vòng đàm phán hòa bình thứ hai ngày 3/3/2022. Ảnh: Tass

Trước đó, vòng đàm phán đầu tiên giữa hai nước diễn ra vào ngày 28/2 tại khu vực Gomel thuộc biên giới Belarus-Ukraine. Mặc dù cuộc gặp không tạo ra đột phá lớn nào nhưng hai bên đã tìm thấy một số điểm chung và nhất trí sẽ trở lại thủ đô của mỗi nước để tham vấn trước khi gặp lại nhau.

Phát biểu trước báo giới ngày 2/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine, trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bước sang ngày thứ 7.

Khi được hỏi về khả năng một cuộc đàm phán thành công giữa Moscow và Kiev, ông Peskov cho biết ông “không đưa ra dự đoán về điều này”, đồng thời khẳng định tất cả các điều kiện tiên quyết cần thiết cho một giải pháp. Việc giải quyết căng thẳng đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần đưa ra và khá rõ ràng.

Theo Tass, trong cuộc điện đàm ngày 3/3 với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Putin tái khẳng định quyết tâm đạt được mục tiêu phi quân sự hóa và vô hiệu hóa Ukraine. Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc điện đàm, Điện Kremlin nói rằng Tổng thống Putin đã xác nhận rằng Moscow sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được các mục tiêu của chiến dịch ở Ukraine. Tuyên bố cũng nói rằng “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine đang diễn ra “theo kế hoạch”.

Dư luận khu vực và quốc tế đánh giá cao việc thúc đẩy hòa đàm giữa Nga và Ukraine, coi đây là bước đi mang lại hy vọng cho cuộc xung đột giữa hai bên. Ngày 1/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hoan nghênh cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành các cuộc đàm phán.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, xung đột ở Ukraine có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với an ninh châu Âu và toàn cầu. Đạt được đối thoại là một bước tiến đáng chú ý, nhưng các bên liên quan cần kiềm chế các bước làm leo thang tình hình và tiếp tục đối thoại để sớm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho xung đột.

Thanh Tuấn, Nguồn: Interfax, DW

Exit mobile version