Nga vỡ nợ nước ngoài lần đầu tiên kể từ năm 1918

Lần đầu tiên trong hơn một thế kỷ, Nga vỡ nợ trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ, nguyên nhân là do các biện pháp trừng phạt ngày càng khắc nghiệt hơn của phương Tây khiến các tuyến thanh toán cho chủ nợ của Nga tê liệt.

Thời gian ân hạn kết thúc

Trong nhiều tháng, Nga đã tìm ra những biện pháp để hạn chế các biện pháp trừng phạt mà phương Tây và Mỹ áp đặt lên điện Kremlin do cuộc xung đột quân sự với Ukraine. Tuy nhiên, với việc thời kỳ ân hạn của 2 trái phiếu châu Âu kết thúc hôm 26/6, Nga lần đầu tiên vỡ nợ nước ngoài trong một thế kỷ.

Cụ thể, cuối ngày 26/6, thời gian ân hạn đối với khoản thanh toán tiền lãi trị giá 100 triệu USD của lô trái phiếu đến hạn ngày 27/5 đã kết thúc. Khi không thể thực hiện thanh toán vào hạn chót này, Moscow bị coi là đã vỡ nợ.

Đây là một thời khắc nghiệt ngã với một quốc gia bị ruồng bỏ về kinh tế, tài chính và chính trị. Các trái phiếu đồng euro của Nga đã giao dịch ở mức khó khăn kể từ đầu tháng 3, dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương vẫn bị đóng băng và các ngân hàng lớn nhất bị cắt khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, so sánh với những thiệt hại mà nền kinh tế và thị trường đang đối mặt, việc vỡ nợ hiện nay hầu như chỉ mang tính biểu tượng và không quan trọng lắm đối với người Nga khi lạm phát lên đến hai con số và tăng trưởng kinh tế lao dốc nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua.

Những biện pháp trừng phạt mà các nước phương Tây áp dụng với Nga kể từ khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2 khiến nước này gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận hệ thống thanh toán quốc tế, trong đó có việc chặn Nga tiếp cận nguồn vốn trong các ngân hàng của Mỹ để trả cho các chủ nợ quốc tế.

Nga đã bác bỏ tuyên bố cho rằng nước này vỡ nợ và nói có đủ tiền để trả nợ, nhưng bị đẩy vào thế không thể thanh toán. Trước đó, Moscow thông báo sẽ thanh toán dư nợ nước ngoài trị giá 40 tỷ USD bằng đồng rúp.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov giải thích, việc chuyển đổi sang thanh toán bằng đồng rúp, thay vì USD không ám chỉ việc vỡ nợ. Điều này là vì Mỹ đã áp biện pháp trừng phạt tài chính với Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, ngăn cản Moscow thanh toán các khoản nợ bằng ngoại tệ. 

Ngày 22/6, Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh thiết lập các thủ tục tạm thời để thực hiện các nghĩa vụ nợ nước ngoài. Ông Putin đã chỉ thị cho chính phủ trong vòng 10 ngày phải chọn ra các ngân hàng có khả năng xử lý các khoản thanh toán liên quan trái phiếu châu Âu theo một kế hoạch mới.

Theo tài liệu, giờ đây Nga có thể mở tài khoản bằng đồng rúp dưới danh nghĩa các kho lưu ký nước ngoài để thực hiện các nghĩa vụ của mình về trái phiếu châu Âu. Người thụ hưởng các tài khoản này, cụ thể là chủ sở hữu chứng khoán, cũng như “những người khác”, theo cách thức do Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Nga quy định.

Sau khi thanh toán số tiền yêu cầu bằng đồng rúp theo tỷ giá hối đoái vào ngày tính toán, các nghĩa vụ theo trái phiếu sẽ được coi là hoàn thành.

Ngoài vụ vỡ nợ nước ngoài năm 1918, Nga từng vỡ nợ một lô trái phiếu trong nước năm 1998. Khi đó, Nga bị vỡ nợ liên quan đến khoản nợ 40 tỉ USD trong nước, giữa cuộc khủng hoảng tài chính và đồng rúp sụp giá.

Exit mobile version