Chưa đầy một tháng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng xuống 4,75%/năm.
Ngân hàng Nhà nước 2 lần giảm trần lãi suất tiết kiệm trong chưa đầy 1 tháng
Theo đó, các loại lãi suất điều hành sẽ giảm từ 19/6. Cụ thể, tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng, mức lãi suất tối đa giảm từ 5% xuống 4,75%/năm. Với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, lãi suất tối đa giữ nguyên ở mức 0,5% một năm.
Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ với các tổ chức tín dụng giảm 0,5% xuống còn 5%/năm. Lãi suất tái cấp vốn giảm 0,5%, xuống mức 4,5% một năm. Lãi suất tái chiết khấu giảm từ 3,5% năm còn 3%/năm.
Trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng với nhóm ngành ưu tiên cũng được điều chỉnh giảm 0,5%, từ 4,5% xuống 4%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm 0,5% xuống 5% một năm.
Theo quan sát, Ngân hàng Nhà nước trong nửa đầu năm nay đã 3 lần giảm trần lãi suất huy động. Trong đó, lần thứ nhất là vào đầu tháng 4, giảm trần lãi suất từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 6% về 5,5%/năm, tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 1% về 0,5% một năm. Thời điểm cuối tháng 5, trần lãi suất từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tiếp tục giảm thêm 0,5% xuống 5%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, giảm trần lãi suất huy động và điều hành là “bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới”. Và đây cũng là tín hiệu định hướng để các nhà băng giảm lãi suất cho vay.
Theo chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, quyết định này được đưa ra nhằm giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, từ đó góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc giảm lãi suất được ủng hộ bởi lạm phát được kiểm soát, trong khi thanh khoản của các tổ chức tín dụng được đảm bảo.
Các ngân hàng giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6
Sáng nay, Thường trực Chính phủ cũng vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có ngay các giải pháp để giảm lãi suất, trong đó hạ lãi suất điều hành ngay trong tháng 6. Cùng với đó là định hướng giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay đối với khách hàng của các tổ chức tín dụng để doanh nghiệp và người dân có thể phục hồi sản xuất, kinh doanh cũng như thúc đẩy tăng trưởng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn được yêu cầu khắc phục ngay việc tăng trưởng tín dụng thấp như 5 tháng vừa qua một cách hiệu quả.
Chính phủ đồng thời yêu cầu đơn vị này có giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án khả thi, hiệu quả hay với các doanh nghiệp có năng lực. Ngoài việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước còn cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đối với gói tín dụng 40.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước cũng cần rà soát các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn; cùng với đó là khẩn trương đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản và các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với các lĩnh vực cần thiết khác.