Tuần lễ của Ngân hàng Trung ương: Diều hâu hay bồ câu?

Tỷ lệ lạm phát kỷ lục của Mỹ và áp lực lây lan của biến thể Omicron đang lan rộng ra thế giới. Ngân hàng Trung ương các nước đang rục rịch phân chia thành hai hướng chính, một hướng tăng lãi suất để giảm lạm phát, một hướng giữ lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Bloomberg, chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 11 có thể tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,7% so với tháng trước.

Nhà kinh tế học Anna Wong của Bloomberg tin rằng, “Sự lan rộng của Omicron ở Mỹ đã mang lại rủi ro gia tăng lạm phát. Dữ liệu CPI của tuần tới có thể phản ánh tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ năm 1982. Chúng tôi cho rằng báo cáo việc làm hiện tại sẽ không đủ để ngăn Fed công bố mức giảm mua nợ nhanh hơn.”

Ít nhất 12 Ngân hàng Trung ương quốc gia sẽ tổ chức cuộc họp vào tuần tới với chính sách theo khuynh hướng hoặc “diều hâu” hoặc “bồ câu”.

Canada – trên đường tăng lãi suất

Bloomberg kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Canada sẽ tiếp tục chú ý đến lạm phát trong các quyết định chính sách đưa ra vào tuần tới, thị trường dự kiến Ngân hành Trung ương ​​sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào năm tới. Ngân hàng Trung ương Canada đã kết thúc kế hoạch kích thích mua trái phiếu và bắt đầu ám chỉ rằng họ sẽ đẩy nhanh quá trình bình thường hóa lãi suất.

Tỷ lệ việc làm của Canada đã tăng mạnh trong tháng 11, hoạt động kinh tế và tăng trưởng việc làm đều tích cực, điều này càng củng cố thêm kỳ vọng của thị trường về việc tăng lãi suất. Ngân hàng Trung ương Canada hồi tháng trước đã ám chỉ rằng họ có thể tăng lãi suất lần đầu tiên sớm nhất là vào tháng 4/2022, nhưng thị trường tiền tệ dự kiến ​​ngân hàng sẽ tăng lãi suất vào tháng 3, nâng lãi suất 5 lần vào năm 2022.

Châu Á Thái Bình Dương – Úc có khuynh hướng “bồ câu”, Ấn Độ trung lập

Sau khi từ bỏ kế hoạch kiểm soát đường cong lợi suất, Ngân hàng Trung ương Úc sẽ công bố quyết định chính sách cuối cùng trong năm vào ngày 7/12. Thị trường hiện đang đặt cược rằng Ngân hàng Dự trữ Úc cần rút khỏi kế hoạch kích thích kinh tế nhanh hơn dự kiến.

Ngân hàng Trung ương Úc hiện vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,1% và nhắc lại rằng họ sẽ không tăng lãi suất cho đến khi lạm phát “bền vững” trong mục tiêu 2-3%. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Úc tin rằng để đạt được mục tiêu trên, tỷ lệ thất nghiệp cần phải giảm xuống 4% hoặc thấp hơn, và tăng trưởng tiền lương phải vượt quá 3%. Hai điều kiện này khó có thể thành hiện thực trong năm tới.

Dữ liệu lạm phát tháng 10 của Ấn Độ đã tăng, và ngân hàng trung ương đang chịu áp lực tăng lãi suất. Dự kiến, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ có thể tiếp tục điều chỉnh lập trường chính sách tiền tệ từ lỏng lẻo sang trung lập tại cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào tuần tới. Hầu hết các cơ quan nghiên cứu ở Ấn Độ và nước ngoài đều dự đoán rằng Ấn Độ có thể tăng lãi suất sớm nhất là vào tháng 2 năm sau

Tại Nhật Bản, quốc gia vừa đóng cửa để phòng chống biến thể Omicron, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Haruhiko Kuroda có thể sẽ có bài phát biểu vào tuần này để chia sẻ quan điểm về những rủi ro của biến thể Omicron. Các nhà đầu tư có thể tìm manh mối liệu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tiếp tục mở rộng chương trình hỗ trợ COVID-19 hay sẽ thắt chặt lại sau tháng 3/2022.

Châu Âu – Ba Lan và Hungary tiếp tục tăng lãi suất

Các nhà kinh tế dự đoán GDP của Anh sẽ chậm lại trong tháng 10, và những dữ liệu này sẽ là một trong những bằng chứng cuối cùng dành cho các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh trước khi đưa ra quyết định cuối cùng trong năm vào ngày 16/12.

Đồng thời, tại Đức, các báo cáo về sản lượng công nghiệp và đơn đặt hàng sẽ cho thấy tác động của tắc nghẽn chuỗi cung ứng với nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong quý IV và tác động đến dữ liệu tăng trưởng chung.

Hungary là khu vực theo chính sách diều hâu mạnh nhất ở châu Âu. Quốc gia này đánh giá chính sách mỗi tuần một lần và đưa ra quyết định hàng tháng. Sau khi tăng lãi suất thêm 110 điểm cơ bản vào tháng 11, các quan chức ngân hàng trung ương sẽ quyết định liệu có thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ hay không.

Các thị trường mới nổi – Brazil và Mexico tăng lãi suất đáng kể

Brazil sẽ công bố dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 10 vào thứ 4 (8/12). Do lãi suất tăng và lạm phát gia tăng, chi tiêu của người tiêu dùng giảm, tình trạng suy thoái này có thể tiếp tục.

GDP của Brazil đã giảm 0,1% trong quý III năm nay và mức giảm đã điều chỉnh trong quý II là 0,4%. Tỷ lệ thất nghiệp vượt quá 12% và tỷ lệ lạm phát hàng năm đạt mức cao nhất trong 5 năm. Các nhà phân tích kỳ vọng chỉ số CPI của Brazil trong tháng 11 sẽ tăng tốc trong tháng thứ 18 liên tiếp.

Thái độ của Ngân hàng Trung ương Brazil rất rõ ràng: ngân hàng này sẽ tăng lãi suất lên 150 điểm cơ bản lần thứ hai liên tiếp, đẩy lãi suất chuẩn lên 9,25% và sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Mặc dù một chính sách thắt lưng buộc bụng kỷ lục đã được thực hiện vào năm 2021, nhưng khoảng cách giữa chính sách và mục tiêu lạm phát vẫn còn hơn 600 điểm cơ bản, và dự kiến ​​Brazil sớm nhất đến năm 2023 mới đạt được mục tiêu này.

Mexico cũng sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 vào thứ Năm (9/12), dự kiến ​​sẽ vượt 7%, cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 3%. Ngân hàng Trung ương Mexico dự kiến ​​tỷ lệ lạm phát năm 2021 vào khoảng 6,8%, đây sẽ là tốc độ tăng trưởng hàng năm nhanh nhất trong 20 năm.

Vào tháng 11, Ngân hàng Trung ương Mexico đã nâng mục tiêu lãi suất qua đêm thêm 0,25 điểm phần trăm lên 5,0%, lần tăng lãi suất thứ tư liên tiếp. Biên bản cuộc họp gần đây nhất của Ngân hàng Trung ương Mexico cho thấy một số thành viên trong ban giám đốc của ngân hàng trung ương đã đề xuất xem xét khả năng tăng lãi suất thực chất hơn để kiểm soát lạm phát và ổn định kỳ vọng lạm phát.

Exit mobile version