Ngành cá tra: Giải pháp nào biến “nguy” thành “cơ”?

Ngành cá tra: Giải pháp nào biến “nguy” thành “cơ”?

Ngành cá tra: Giải pháp nào biến “nguy” thành “cơ”?

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã khiến ngành cá tra đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Hầu hết các chỉ số đều giảm

Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, việc thực hiện giãn cách xã hội từ tháng 7/2021 tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tác động lớn đến hoạt động thả giống, nuôi, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu cá tra. Diện tích nuôi, sản lượng giảm, cá quá lứa do thiếu công nhân thu hoạch, hạn chế đi lại ảnh hưởng tới việc thu mua, nhiều doanh nghiệp chế biến ngừng hoạt động, kim ngạch xuất khẩu giảm sâu… đang khiến ngành hàng này đứng trước nguy cơ đổ vỡ chuỗi sản xuất và cung ứng.

Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích thả nuôi cá tra tính đến ngày 15/9/2021 đã giảm 25,7% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 3.516 ha. Trong khi trước đó, diện tích thả nuôi cá tra trong tháng 7, tháng 8 đã giảm khoảng 50-55% so với các tháng trước.

Về sản lượng cá, lượng cá tra quý III/2021 ước tính đạt 315,3 nghìn tấn, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính ra, đây là quý có sản lượng cá tra thấp nhất tính từ đầu năm tới nay khi mà quý I ước tính đạt 321,8 nghìn tấn, quý II ước tính đạt 350,3 nghìn tấn.

Trong đó, sản lượng cá tra tháng 9 ước tính đạt 100,8 nghìn tấn; giảm tới 27.3% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng cá tra 9 tháng từ năm 2018 đến 2021 (Ảnh: Tổng cục Thống kê).

Ước tính chung trong 9 tháng năm 2021, sản lượng cá tra đạt 987,4 nghìn tấn, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ 9 tháng từ 2018-2021, đây là kỳ có mức sản lượng thấp nhất.

Hoạt động xuất khẩu cá tra từ tháng 8 trở đi giảm sâu, dù trước đó, vào những tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tăng trưởng khá tốt.

Nguyên nhân được đánh giá do nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất, kim ngạch xuất khẩu đột ngột giảm sâu.

Dữ liệu từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cá tra tháng 9/2021 giảm mạnh 36,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 82 triệu USD. Dù nhìn chung, trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cá tra ước tính đạt 1.076,2 triệu USD, tăng 3,2%.

Trong số các quốc gia Việt Nam xuất khẩu cá tra, thì xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm mạnh trong bối cảnh nước này siết chặt quy định kiểm dịch Covid-19 với các mặt hàng thủy sản đông lạnh.

Trong khi đó, việc xuất khẩu cá tra sang Mỹ có phần khả quan hơn do nhu cầu tiêu thụ tăng đột biến sau khi nền kinh tế nước này mở cửa trở lại. Tuy nhiên, cá tra thương phẩm cỡ 800gr – 1.000gr để sản xuất phi lê cá tra xuất khẩu sang Châu Âu và Mỹ đang có nguy cơ bị thiếu hụt trong thời gian tới.

Ngành cá tra gặp thách thức cả trong và ngoài nước

Được biết, phần lớn cá tra vẫn còn trong ao và trong tình trạng lớn quá cỡ trong khi các doanh nghiệp chế biến thủy sản đã sử dụng hết công suất kho trữ đông lạnh. Chưa kể, cước vận chuyển đường biển tiếp tục tăng, công-ten-nơ trống chở hàng vẫn thiếu. Như vậy, ở thị trường EU, cá tra vẫn gặp phải không ít thách thức…

Một yếu tố khác khiến hoạt động xuất khẩu cá tra gặp khó là việc thực hiện giãn cách khiến các nhà máy chế biến giảm công suất, giảm thu mua nguyên liệu đầu vào, chủ yếu sử dụng nguyên liệu từ vùng nuôi của công ty hoặc trong chuỗi liên kết. Bởi thế, nhiều cơ sở và hộ nuôi nhỏ lẻ không thể bán được cá.

Việc hạn chế di chuyển khiến người nông dân không thể thu hoạch, vận chuyển cá từ trại nuôi tới nhà máy. Vì thế, cá bị giữ trong ao, đến lứa không có người thu mua.

Hệ lụy là, cá trở nên quá cỡ, trong khi đó chi phí thức ăn tăng. Thậm chí, cá chết nhiều và giảm chất lượng. Chi phí cho việc nuôi cá trở thành gánh nặng khiến các hộ dân không còn đủ khả năng tài chính để thả nuôi vụ tiếp theo.

Theo dữ liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản, đến đầu tháng 9/2021 đã có 176/449 cơ sở chế biến cá tra ngừng sản xuất do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện “3 tại chỗ”. Ngoài ra, 49% nhà máy chế biến cá tra tại 5 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng hoạt động. Số lao động phải nghỉ việc do dịch Covid-19 rơi vào khoảng trên 70%.

Tổng công suất hoạt động của các nhà máy chế biến cá tra tại các tỉnh thành phía Nam chỉ còn khoảng 30 – 40% so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội.

Về hoạt động sản xuất giống, tính đến ngày 15/9/2021, tổng lượng con giống được sản xuất khoảng 2,33 tỷ con, đáp ứng 100% nhu cầu nuôi thương phẩm. Trong đó, An Giang chiếm 1,07 tỷ con giống, Đồng Tháp chiếm 0,75 tỷ con giống.

Tuy nhiên, việc vận chuyển con giống, thức ăn, cá tra thương phẩm chủ yếu bằng đường thủy – phương thức được kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt đã gây khó khăn cho hoạt động sản xuất. Các hộ kinh doanh giống có hiện tượng ngưng thả giống từ tháng 8 năm nay, có thể dẫn đến việc thiếu giống cá tra cục bộ năm 2022, gây đứt gãy chuỗi sản xuất.

Giải pháp nào cho ngành cá tra?

Các rào cản thương mại, kỹ thuật đối với cá tra xuất khẩu vẫn đang tiếp diễn tại một số thị trường trọng điểm. Nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả thì các hộ nuôi cá sẽ phải bỏ nghề, doanh nghiệp chế biến cá tra sẽ phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ, nợ xấu và phá sản.

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng bán hàng nếu xảy ra cũng khiến doanh nghiệp phải bồi thường hợp đồng do không kịp tiến độ giao hàng, mất khách hàng, mất thị trường xuất khẩu vào các quốc gia khác.

Vậy, giải pháp nào giải quyết tình trạng đang xảy ra với ngành cá tra?

Tại hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị trước hết người lao động trong ngành cá tra cần được phân bổ ưu tiên tiêm ngừa vắc xin để người công nhân có thể ra vào nhà máy, người vận chuyển cá được di chuyển giữa các địa phương.

Về vấn đề này, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn từng cho rằng, những người làm giống và thu hoạch cá giống chưa được tiêm vaccine khiến doanh nghiệp thiếu lực lượng công nhân thu hoạch cá giống.

Bà Khanh đề nghị tiêm vaccine cho lực lượng lao động cũng như cấp “thẻ xanh” cho lao động thu hoạch cá liên tỉnh. Đồng thời, đơn giản hoá thủ tục di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác.

Theo đó, công nhân thu hoạch cá giống được phép đi về trong ngày và không phải cách ly, test 3 ngày/lần. Địa bàn nào thực hiện chỉ thị 15 và 15+ thì tiến hành test nhanh âm tính trước khi về nhà và chỉ test một lần không cần phải test nhiều lần.

Một giải pháp khác là tạo điều kiện về vốn vay dài hạn cho các hộ nuôi tiếp tục đầu tư thả nuôi vụ mới.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, trong thời kỳ khó khăn, các doanh nghiệp lẫn người nuôi cá tra thiếu hụt về vốn do không tiêu thụ được hàng hóa, khó thu hồi vốn cũng như khó xoay vòng sản xuất.

Bởi thế, việc trả lãi suất ngân hàng cũng trở thành một “gánh nặng”. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều thông tư yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh vượt qua giai đoạn ứng phó dịch bệnh COVID-19. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được giảm lãi suất hoặc nếu có, một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra chỉ được giảm từ 0,5-1% lãi suất.

Vị này cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên kiểm tra, giám sát, xem xét giảm lãi suất tới 2% mới có thể giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất như: Nâng tỷ lệ giảm tiền điện sản xuất cho doanh nghiệp; sớm bình ổn giá thức ăn đang tăng cao; hỗ trợ các danh nghiệp thực hiện kênh phân phối thị trường trong nước cũng như xuất khẩu; đảm bảo nguồn con giống cho thả nuôi vụ mới, nguyên liệu cho ngành sản xuất chế biến cá tra xuất khẩu cũng cần được thực hiện kịp thời.

Cần có bộ quy tắc do Bộ Y tế quy định, trong đó hướng dẫn phòng chống dịch bệnh cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản, quy định thống nhất về xét nghiệm, tiếp nhận lao động trở lại doanh nghiệp, ứng phó với sự cố khi xảy ra dịch bệnh.

Chuỗi ngành hàng cá tra cần phải liên kết thành một thực thể kinh tế, có sự điều hoà phối hợp, từ công nhân nhà máy và người nuôi của các tỉnh đưa lên TP. Hồ Chí Minh đến các cảng, ra đến thị trường nước ngoài.

Đây cũng được cho là dịp để 13 tỉnh ĐBSCL thử nghiệm liên kết vùng theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, mở rộng phát triển không gian kinh tế vùng.

Cát Anh

Exit mobile version