Trái ngược với những năm trước, tình hình hàng Tết năm nay, nhiều cơ sở sản xuất tại miền Tây khá trầm lắng. Nguyên nhân là do quán ăn, nhà hàng vẫn chưa mở cửa hoặc hoạt động hạn chế vì dịch Covid-19. Từ đó, nhu cầu giảm sâu khiến các cơ sở không dám trữ nguyên liệu sản xuất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2022.
Ông Lương Văn Thông, Giám đốc HTX Bánh tráng Cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), cho biết tới lúc này vẫn chưa ai đặt hàng do tình hình dịch Covid-19. Trong khi đó, cùng kỳ năm rồi, nhiều khách hàng tại TP HCM, Cần Thơ, Sóc Trăng… đã gọi điện thoại yêu cầu làm hàng Tết.
“Nhiều Việt kiều rất ưa thích bánh tráng ngọt do cơ sở chúng tôi sản xuất, mỗi lần về đây đều ghé mua số lượng lớn. Tuy nhiên, năm nay họ không về được do dịch bệnh, người thân cũng không gửi ra nước ngoài vì cước phí khá cao. Dự kiến, HTX sẽ giảm khoảng 50% sản lượng bánh tráng Tết, chủ yếu bán ở các chợ” – ông Thông thông tin thêm.
Ngành hàng tết, các cơ sở sản xuất dè dặt
Theo Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Năm Thụy (tỉnh Trà Vinh) ông Nguyễn Trường Chinh cho hay, công ty cũng chưa có động thái sản xuất hàng Tết. Trong khi đó, so với mọi năm vào thời điểm này đã có rất nhiều đơn hàng và công ty phải tăng cường sản xuất hết công suất.
“Khi nào dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn thì công ty mới mở rộng sản xuất. Các mặt hàng như patê, chả lụa… của chúng tôi chủ yếu phục vụ quán ăn, nhà hàng… nhưng những nơi này vẫn chưa mở cửa đón khách. Do đó, mỗi ngày công ty chỉ sản xuất 700-800 kg sản phẩm các loại, giảm phân nửa so với năm trước”, ông Chinh bày tỏ.
Theo ông Dương Tiến Hải, chủ cơ sở sản xuất khô Tiến Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) cho hay, mặt hàng được ưa chuộng trong những ngày Tết là các loại khô nhưng nhiều cơ sở đến giờ vẫn không mặn mà sản xuất. Do dịch bệnh nên cơ sở của ông mỗi ngày chỉ bán được 5 -7 kg khô, thậm chí có ngày không ai hỏi mua.
“Các mặt hàng của Tiến Hải chủ yếu bán cho Việt kiều, đám tiệc, quán nhậu, nhà hàng nhưng giờ các kênh tiêu thụ này đều giảm nhu cầu. Mỗi ngày chúng tôi làm vài ký để bán chứ không sản xuất hàng Tết” – ông Hải băn khoăn.
Một đặc sản nổi tiếng ở TP Cần Thơ là mắm cá tra cũng cùng chung cảnh ngộ. Ông Chương Văn Khanh, ngụ quận Thốt Nốt, cho hay nếu như mọi năm, ông chuẩn bị nguyên liệu sản xuất khoảng 3 tấn mắm cá tra vào dịp Tết thì năm nay giảm sản lượng chỉ còn 1 tấn. “Mắm cá tra chỉ có thời hạn sử dụng trong 3 tháng, nếu sản xuất nhiều mà không bán được do dịch bệnh thì khi hết hạn dùng phải bỏ đi” – ông Khanh giải thích.
Tại một số cơ sở khác, việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết đang gặp khó khăn do vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, hàng hóa nhập khẩu vẫn còn vướng vì vấn đề lưu thông hàng hóa chưa hồi phục hoàn toàn, các cơ sở sản xuất thì vừa phải tính toán cân đối chi phí sản xuất, tìm giải pháp bán hàng hiệu quả hơn, vừa phải kiểm soát dịch trong nội bộ. “Hầu hết các cơ sở khi tổ chức sản xuất bình thường trở lại đều phát sinh nhiều ca F0 trong nhà máy, văn phòng, ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động chung”.