Những năm qua, ngành thuế Việt Nam đã thu gần 5.000 tỷ đồng từ các hoạt động thương mại điện tử.
Thương mại điện tử nộp gần 5.000 tỷ đồng tiền thuế
Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 16/3, trong phần chất vấn, các đại biểu quốc hội có khá nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.
Trong đó, đại biểu Đỗ Đức Hiển thuộc đoàn đại biểu TP HCM nêu quan điểm về việc, thương mại điện tử trở thành một xu thế và phát triển nóng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nó kéo theo nhiều vấn đề, như việc dùng thương mại điện tử để buôn bán hàng cấm, hàng lậu, trốn thuế. Vị này hỏi Bộ Công Thương và Tài chính về giải pháp xử lý vấn đề này.
Trong khi trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tiết lộ, những năm qua, ngành thuế đã thông qua các tổ chức tại Việt Nam thu gần 5.000 tỷ đồng. Trong đó, Facebook nộp 1.694 tỷ đồng, Google nộp 1.618 tỷ, Microsoft nộp 576 tỷ.
Riêng năm 2021, thuế thu từ hoạt động này đạt 1.317 tỷ đồng, so với năm 2020 tăng 15,2%.
Giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử
Về giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử, Bộ Tài chính cho hay đã chỉ đạo Tổng cục thuế xây dựng cổng thông tin điện tử về kê khai thuế xuyên biên giới. Được biết, Tổng cục thuế sẽ khai trương cổng thông tin điện tử này vào ngày 21/3. Cổng thông tin này sẽ giúp các doanh nghiệp nước ngoài tham gia bán hàng xuyên biên giới có thể trực tiếp kê khai thuế và nộp thuế.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cơ sở dữ liệu của thuế đã được kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia của Bộ Công an nhằm lấy mã định danh dân cư làm mã định danh thuế. Việc mua bán online được kiểm tra hết sức nhanh gọn và chính xác. Các mã số thuế ảo cũng sẽ được loại bỏ.
Ngoài ra, Bộ cũng đã có hướng dẫn về việc nộp thuế ở môi trường mạng, sàn thương mại điện tử, mua bán online.
Thông tư 100 sửa đổi Thông tư 40 hướng dẫn thuế thu thuế với hộ và cá nhân kinh doanh đã được ban hành vào cuối năm 2021. Dù đề cập đến việc thu thuế đối với cá nhân bán hàng trên sàn thương mại điện tử, nhưng thông tư này lại chưa chưa đưa ra lộ trình cụ thể.
Bởi vậy, nếu không khai hoặc nộp thuế thay, sàn thương mại điện tử cần chia sẻ, cung cấp thông tin của người kinh doanh theo hướng dẫn từ Tổng cục Thuế. Nói cách khác, các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam như Shopee, Tiki, Sendo, Lazada hay các đơn vị giao vận sẽ phải cung cấp thông tin của chủ shop (nếu cư trú tại Việt Nam) cho cơ quan thuế.
Cơ quan thuế địa phương nắm bắt được dữ liệu của các cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội, thông qua trang bán hàng, fanpage, xác định danh tính cá nhân, tìm cách thu thuế.
Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc từng nêu lên tình trạng, những người kinh doanh truyền thống vẫn kê khai, nộp thuế đầy đủ dù phải thuê trụ sở, cửa hàng và gánh thêm nhiều chi phí. Tuy nhiên, người kinh doanh thương mại điện tử lại tìm cách tránh thuế dù kinh doanh trong môi trường hiện đại hơn với chi phí thấp và lợi nhuận cao.