Triển vọng thuận lợi, doanh nghiệp ngành thuỷ sản đặt kế lợi nhuận khủng năm 2022

ViMoney: Triển vọng thuận lợi, doanh nghiệp ngành thuỷ sản đặt kế lợi nhuận khủng năm 2022

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), ngành thủy sản đang phục hồi manh mẽ sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Hiện giá cá tra nguyên liệu đã tăng 25% so với cuối năm ngoái, đạt 32.000 đồng/kg và còn cao hơn ở những nơi khan hiếm nguồn cung. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã đồng loạt nâng chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận.

Triển vọng ngành thủy sản năm 2022

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), ba tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của VASEP, kết quả xuất khẩu khả quan chủ yếu do cá tra phục hồi mạnh mẽ, với dấu hiệu khả quan về nhu cầu tại các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu (EU).

Tính đến hết quý I, xuất khẩu cá tra ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra số 1 của các doanh nghiệp Việt Nam.

VASEP dự báo xuất khẩu tôm trong tháng 4 tiếp tục tăng 20%, xuất khẩu cá tra tăng 80%. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực nâng công suất, dù nguồn nguyên liệu trong nước đang khan hiếm. Đây được coi là cơ hội để các doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch.

Doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận khủng

“Nữ hoàng cá tra” – Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (mã CK: VHC) đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu 13.000 tỷ đồng, tăng 43,6% so với thực hiện năm 2021 và lợi nhuận trước thuế đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 36,5% so với năm 2021 – mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi hoạt động của công ty. Theo số liệu công bố, lũy kế 3 tháng đầu năm, tổng doanh thu của VHC tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3.225 tỷ đồng, hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu năm 2022.

Công ty Cổ phần Nam Việt (mã CK: ANV) đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu 4.900 tỷ đồng, tăng 40% so với thực hiện năm 2021 và lợi nhuận trước thuế 720 tỷ đồng, tăng gấp 4,8 lần so với năm 2021. Năm 2022 công ty sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ cao để tự chủ nguồn giống cá tra chất lượng cao, đầu tư sản xuất collagen và Genlatin với công suất 780 tấn/năm (dự kiến ​​hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 7/2022). Đồng thời, ANV sẽ xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường Hoa Kỳ bắt đầu từ tháng 8/2022.

CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia (IDI – Mã chứng khoán: IDI) dự kiến ​​mang về 8.300 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 45% và lợi nhuận sau thuế 900 tỷ đồng vào năm 2022, gấp 6,6 lần năm trước. Công ty mẹ của IDI là CTCP Tập đoàn Sao Mai (mã CK: ASM) cũng đặt mục tiêu cao với doanh thu 14.700 tỷ đồng, tăng 29%, lợi nhuận sau thuế 1.630 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm ngoái.

CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (mã chứng khoán: ACL) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 200 tỷ đồng, gấp 4,2 lần thực hiện năm 2021. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I vừa công bố, ACL ghi nhận doanh thu 325 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng đột biến lên gần 71 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 22% chỉ tiêu doanh thu và 35% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022.

Là doanh nghiệp xuất khẩu tôm, CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã CK: FMC) đặt mục tiêu có phần khiêm tốn hơn với lợi nhuận trước thuế tối thiểu 320 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2021.

Trong thời gian gần đây, giá cổ phiếu ngành thủy sản xuất khẩu diễn biến tích cực, đạt mức tăng khá tốt dù thị trường giảm mạnh, mất 92 điểm chỉ sau 1 tuần giao dịch.

Exit mobile version