Ngày vía Thần Tài – Tại sao lại cúng cá lóc nướng vào ngày này?

Ngày vía Thần Tài - Tại sao lại cúng cá lóc nướng vào ngày này?

Ở miền Nam, vào ngày vía Thần Tài, ngoài bộ tam sinh, người ta còn cúng thêm cá lóc nướng. Nhưng chẳng mấy ai hiểu rõ vì sao lại có tục lệ như vậy? Cùng ViMoney tìm hiểu rõ hơn về tục lệ này nhé.

Ngày vía Thần Tài là gì?

Theo một chuyên gia nghiên cứu văn hóa thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, người Việt thờ Thần Tài với mong muốn Thần Tài mang tài lộc đến cho gia đình; gia đình sung túc, giàu có và thịnh vượng. Ngày vía Thần Tài là ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm.

Ngày cảm tạ và xin lộc của vị thần cai quản tiền bạc, may mắn trong buôn bán, kinh doanh. Vào ngày này mỗi năm, người dân đều tất bật sắm sửa nghi lễ để dâng cúng , tạ ơn và nạp tài đầu năm để mong cả năm hanh thông, suôn sẻ, làm ăn thuận lợi, tiền vào như nước.

Ở Nam bộ, Thần tài được thờ chung với ông địa, đặt ở dưới đất trong nhà nhìn ra cửa chính. Tượng Thần Tài là một ông già ngồi trên ngai vàng, tóc trắng râu dài, người mặc áo gấm thắt đai ngọc, một tay cầm gậy, một tay cầm những thỏi vàng. Người dân tin rằng việc thờ Thần tài sẽ mang lại tiền bạc, lợi lộc, sự giàu có.

Tại sao có tục cúng cá lóc nướng ngày vía Thần Tài?

Lễ vật dâng cúng ngày vía Thần Tài thường là lễ mặn. Bộ tam sinh gồm thịt heo, tôm hoặc cua luộc, trứng gà hoặc trứng vịt là những món quen thuộc trên mâm cúng.

Bộ tam sinh gồm thịt heo, tôm hoặc cua luộc, trứng gà hoặc trứng vịt trong mâm cúng Thần Tài

Tuy nhiên, tại nhiều tỉnh thành phía nam, người dân còn cúng thêm cá lóc nướng. Theo chuyên gia phong thủy Mai Văn Sinh, người dân Nam Bộ có quan niệm cúng cá lóc nướng mới gọi là vẹn tròn, tươm tất vì sẽ đem đến nhiều may mắn, tài lộc cho gia chủ.

Phong tục này có từ bao giờ người ta cũng chẳng nhớ, và cũng không mấy ai biết vì sao lại cúng cá lóc nướng trong ngày vía Thần Tài. Chỉ biết rằng, theo truyền thống tiếp nối từ đời cha ông, con cháu đời sau cứ đến ngày vía Thần Tài là tìm mua bằng được con cá lóc nướng trui ngon đẹp nhất để dâng cúng xin lộc làm ăn, buôn bán.

Cá lóc nướng dùng để làm lễ vật cúng Thần Tài phải được giữ nguyên con, không đánh vẩy, không cắt đuôi và vây. Khi nướng, dùng mía chẻ xiên thẳng qua miệng cá để định hình con cá được thẳng thớm.

Không chỉ được dâng cúng trong ngày vía Thần Tài, cá lóc nướng còn là lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng ông Công ông Táo chầu trời vào 23 tháng Chạp.

Có người quan niệm rằng, dùng cá lóc nướng để cúng do đây là món ăn yêu thích của Thần Tài. Cũng có người cho rằng, cá lóc có sức sống mãnh liệt, khả năng sinh tồn tốt trong nhiều điều kiện khác nhau nên tượng trưng cho may mắn và thành công. Ngoài ra, người ta cũng truyền tai nhau về ý nghĩa dùng cá lóc nướng là để tưởng nhớ cuộc sống thiếu thốn, đói khổ của ông cha ta ngày xưa.

Để hiểu sâu về lý do tại sao người ta lại dùng cá lóc nướng để cúng, chúng ta cần ngược dòng thời gian về với văn hoá vùng Nam Bộ gắn liền với sông nước. Từ thuở hồng hoang, đời sống người dân Nam Bộ gắn liền nhiều với miền sông nước, kênh rạch, sinh ra và lớn lên, nên trong văn hoá họ thấm đượm sự biết ơn, trân trọng nơi nuôi dưỡng mình trưởng thành.

Cá lóc có thể được coi là sản vật đặc trưng vùng miền nên khi dâng lên thần linh sẽ thể hiện lòng biết ơn, trân trọng thiên nhiên mưa thuận gió hòa, tưởng nhớ đến cuộc sống cần cù của ông cha ngày trước.

Với sức sống mãnh liệt và khả năng sinh tồn tốt trong nhiều điều kiện khác nhau, cá lóc còn tượng trưng cho nỗ lực và sự thành công.

Ngoài ra, theo phong thủy, cá luôn là biểu tượng để thu hút tài lộc, may mắn. Hình ảnh đó còn đại diện cho mong ước có được cuộc sống trôi chảy thuận lợi như cá bơi trong nước.

Exit mobile version