Người hưởng lợi lớn nhất từ ​ khủng hoảng chip: Doanh số bán hàng của TSMC đạt mức cao kỷ lục trong 6 quý liên tiếp

Khách hàng đổ xô đặt hàng, và TSMC hưởng lợi lớn.

Khách hàng đổ xô đặt hàng, TSMC hưởng lợi lớn.

Khi cuộc khủng hoảng chip toàn cầu tiếp tục, TSMC – công ty chiếm gần một nửa chip thế giới, nghiễm nhiên trở thành người chiến thắng lớn nhất.

Vào ngày 10 /1, trang web chính thức của Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC đã công bố một báo cáo tài chính cho biết doanh thu quý IV/2021 của công ty là 438,2 tỷ Đài tệ (tương đương 15,8 tỷ USD), lập kỷ lục quý thứ sáu liên tiếp.

Doanh thu trong tháng 12 là 155,38 tỷ Đài tệ, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái và doanh thu năm 2021 là 1.587,42 tỷ Đài tệ, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cả hai đều lập kỷ lục.

TSMC – ‘ông vua chip’ của thế giới

Trước khi báo cáo được công bố, cổ phiếu của TSMC đã tăng 1,4% trong phiên giao dịch ngày 10/1. Triển vọng của TSMC được củng cố bởi nhu cầu mạnh mẽ khi tình trạng thiếu chip đang ảnh hưởng đến ngành sản xuất xe hơi và chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp khác trên toàn cầu. 

Là “ông hoàng” trong ngành sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, chip của TSMC có thể được ứng dụng cho nhiều sản phẩm khác nhau bao gồm iPhone và xe hơi mới nhất của các hãng xe hàng đầu thế giới, với thị phần hơn 50%. Khi sự thiếu hụt trên thị trường chất bán dẫn thế giới chưa có dấu hiệu chững lại, TSMC trở thành công ty hoạt động tốt trong mùa dịch và không tiếc tiền đầu tư vào công nghệ sản xuất và trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Theo báo cáo của nhà phân tích thị trường Susquehanna Financial Group, thời gian giao hàng trong tháng 12 của TSMC đã tăng 6 ngày so với tháng trước lên khoảng 25,8 tuần. Đây cũng là con số cao nhất mà cơ quan này theo dõi được kể từ năm 2017.

Nhà phân tích Charles Shum của Bloomberg cho biết chip xử lý 5 nm tiên tiến bậc nhất thị trường của TSMC đã củng cố doanh số bán hàng tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh nhu cầu về chip cho điện thoại thông minh và máy tính hiệu năng cao đang tăng mạnh.

Tháng 8/2021, TSMC đã vượt “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Tencent để trở thành công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất châu Á.

Nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất trên thế giới đang xây dựng một nhà máy sản xuất chip 3 nanomet (nm). Loại chip này dự kiến sẽ nhanh hơn tới 70% và tiết kiệm điện hơn so với loại tiên tiến nhất hiện nay và sẽ được sử dụng trong các thiết bị từ điện thoại thông minh đến siêu máy tính.

Những tín hiệu tích cực trên cũng khiến các ngân hàng đầu tư lạc quan hơn về triển vọng của TSMC. Đầu tháng này, các nhà phân tích Bruce Lu và Evelyn Yu của Goldman Sachs cho rằng TSMC sẽ phát triển với tốc độ nhanh hơn và hưởng lợi từ các yếu tố như giá tăng, chu kỳ nâng cấp ngành HPC / 5G đang diễn ra cùng với tốc độ mở rộng của thế giới tiền mã hóa.

Goldman Sachs kỳ vọng doanh số bán hàng năm 2022 của TSMC sẽ tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái và giá cổ phiếu sẽ tăng từ 1.028 Đài tệ đến khoảng 1.035 Đài tệ.

Exit mobile version