Trong báo cáo chiến lược mới đây, Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định khối ngoại sẽ quay trở lại là dòng tiền dẫn dắt thị trường trong tháng 12 sau gần 2 năm dòng tiền NĐT cá nhân áp đảo.
Tuy nhiên, với tình hình dòng tiền quỹ ngoại có rủi ro bị rút ra khi FED vẫn giữ quan điểm tăng lãi suất để chống lạm phát thì việc sử dụng dòng tiền khối ngoại làm chỉ báo đầu tư sẽ còn tiềm ẩn rủi ro. NĐT cá nhân chỉ nên lấy dòng tiền này làm yếu tố tham khảo và vẫn cần tập trung vào sức mạnh nội tại của kinh tế Việt Nam và cổ phiếu.
Thay vào đó, ABS cho rằng nhà đầu tư nên quan tâm một số yếu tố hỗ trợ như.
Thứ nhất, room tín dụng được nới thêm 1,5%-2% trong tháng 12 được kỳ vọng giảm bớt áp lực về vốn cho các doanh nghiệp. Các giải pháp tái cấu trúc nợ một số DN bất động sản như NVL, PDR .v.v. đã làm tăng lực cầu, “giải tỏa” áp lực giải chấp đối với nhóm cổ phiếu này.
Thứ hai, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công như một động lực chủ chốt cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời việc này giúp cải thiện thanh khoản cho thị trường tiền tệ. Dự kiến nhiều dự án lớn sắp được khởi công giai đoạn quý 1/2023.
Thứ ba , mặc dù thị trường đã có dấu hiệu hồi phục từ nửa cuối tháng 11 nhưng định giá P/E thị trường hiện vẫn chỉ dao động quanh 11,x lần – là mức vẫn khá hấp dẫn trong trung và dài hạn.
Thứ tư, dòng tiền thông minh đang có dấu hiệu mua vào cổ phiếu tại mức định giá rẻ với giá trị giao dịch lớn trong các phiên gần đây. Khối ngoại trong đó có cả các ETFs tích cực giải ngân trên TTCK Việt Nam thời gian qua và dự kiến sẽ chưa dừng lại trong tháng 12, đang là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường cũng như kích thích các nhà đầu tư cá nhân mua vào.
Tuy nhiên, dòng tiền các quỹ đầu tư thụ động dẫn dắt nhịp tăng lần này có đặc điểm ra vào nhanh, thường tạo ra biến động lớn khi vào thị trường cũng như khi rút ra. Nhịp cuối năm dương lịch cũng là thời điểm các quỹ ngoại và cả nhà đầu tư trong nước có xu hướng bán ra cổ phiếu để nghỉ Lễ Noel và Tết dương lịch.
Đồng thời, dòng tiền mới từ nhà đầu tư cá nhân dự kiến chưa dồi dào do vẫn còn kẹp hàng từ vùng giá cao, bị bán giải chấp và tâm lý thận trọng trong môi trường lãi suất cao. Do đó, đa số nhà đầu tư cá nhân trong nước có xu hướng giao dịch ngắn hạn T+, mua thấp bán cao trong thời gian ngắn chứ chưa có tâm lý đầu tư lâu dài.
Một yếu tố khác có thể tác động đến thị trường là tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Các nền kinh tế lớn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… đều đối mặt với các dự báo tăng trưởng kinh tế ảm đạm trong giai đoạn 2022-2023. Lạm phát và lãi suất điều hành các nước lớn dự báo vẫn ở mức cao, ít nhất trong nửa đầu năm 2023.
Tăng trưởng KQKD quý 4/2022 và cả năm 2023 của các doanh nghiệp niêm yết không được kỳ vọng cao do áp lực từ lạm phát và mặt bằng lãi suất dự kiến vẫn duy trì ở mức cao, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục đình trệ và rủi ro thanh khoản do trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán vẫn còn đó.
Trước những phân tích trên, đội ngũ phân tích ABS đưa ra 3 kịch bản với VN-Index trong tháng 12.
Kịch bản 1 (đường màu tím – xác suất 70%) : VN-Index sau khi tăng nóng chạm ngưỡng kháng cự 1.070 sẽ điều chỉnh về vùng 950 – 970, sau đó nhanh chóng bật tăng trở lại và chinh phục các mốc kháng cự lần lượt là 1.120 và 1.200.
Với nhận định kịch bản cơ sở VN-Index có nhịp điều chỉnh về vùng 950 – 970 trước khi hồi phục lại, ABS khuyến nghị NĐT cầm tiền nên kiên nhẫn chờ đợi giải ngân tại vùng giá này.
Kịch bản 2 (đường màu xanh –xác suất 15%) : VN-Index được hỗ trợ mạnh tại 1040 và bật tăng lên thẳng các vùng 1.120 – 1.200.
Kịch bản 3 (đường màu đỏ – xác suất 15%) : Sau khi chạm ngưỡng kháng cự 1.070, VN-Index điều chỉnh về vùng 950 – 970 nhưng kiểm định không thành công. Lúc này thị trường đối diện rủi ro rất cao.
Với kịch bản trên, ABS khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân tiếp tục chiến lược giao dịch từ các tuần trước đó, là mua bán theo sóng ngắn hạn. Nhà đầu tư nên canh mua tại các nhịp thị trường rung lắc điều chỉnh và chốt lời khi cổ phiếu có dấu hiệu suy yếu.
Về triển vọng nhóm ngành , nhóm phân tích đánh giá cao các ngành có nhiều yếu tố hưởng lợi.
Hưởng lợi từ môi trường lãi suất cao có ngành Bảo hiểm , các doanh nghiệp có dòng tiền hoạt động ổn định và vị thế tiền ròng lớn.
Hưởng lợi từ đầu tư công: Các doanh nghiệp Xây dựng hạ tầng và Vật liệu xây dựng tham gia dự án Sân bay Long Thành và 12 dự án cao tốc Bắc Nam.
Hưởng lợi từ việc Trung Quốc nới lỏng các chính sách kiểm soát Covid: các doanh nghiệp ngành Thủy sản có khả năng gia tăng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc
Hưởng lợi từ dòng vốn FDI giải ngân tiếp tục gia tăng: một số cổ phiếu ngành BĐS khu công nghiệp
Một số cổ phiếu giảm sâu hồi phục mạnh: ngành Chứng khoán hưởng lợi từ thanh khoản thị trường hồi phục.
Một số cơ hội đơn lẻ trong các ngành Ngân hàng, Vận tải biển, Nhiệt điện…