Chỉ số chứng khoán Mỹ S&P 500 đã giảm hơn 12% từ đầu năm đến nay, sau khi trải qua tháng 4 với mức giảm tồi tệ nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch. So với mức cao kỷ lục đạt được vào tháng 1/2022. S&P 500 đã giảm gần 20%. S&P 500 và Nasdaq trải qua tuần giảm giá thứ 6 liên tiếp, trong khi chỉ số Dow Jones ghi nhận mức giảm tuần thứ bảy liên tiếp.
Chỉ số S&P 500 giảm 6 tuần liên tiếp.
Trong khi đó, tín phiếu kho bạc Mỹ lần đầu tiên trong vòng 3 năm vượt ngưỡng 3% – cao gấp đôi mức cuối năm 2021.
Lợi suất của nợ chính phủ Mỹ – được coi là hầu như không có rủi ro – tăng cao có nghĩa là “bạn có thể bắt đầu mất một số nhà đầu tư chứng khoán và có thể phải chấp nhận rủi ro nhiều hơn một chút cho điều đó”, Sameer Samana, chiến lược gia cấp cao về thị trường toàn cầu của Wells Fargo Investment Institute cho biết.
Một số nhà đầu tư rõ ràng đang rất bi quan. Paul Tudor Jones, người sáng lập và là giám đốc đầu tư của Tudor Investment Corp, cho biết ông không thể nghĩ đến một “môi trường tồi tệ hơn nơi chúng ta đang ở hiện tại đối với các tài sản tài chính.”
Lợi suất trái phiếu tăng trong khi chứng khoán giảm điểm.
Một yếu tố khác cũng tác động tới cổ phiếu, đó là lợi suất Trái phiếu chính phủ bảo vệ nhà đầu tư khỏi lạm phát (Treasury inflation-protected securities – TIPS) kỳ hạn 10 năm, còn được gọi là lợi suất thực tế vì chúng trừ đi lạm phát dự kiến từ lợi suất danh nghĩa đối với chứng khoán Kho bạc – đã chuyển mạnh sang vùng dương sau khi ở vùng âm suốt từ tháng 3 năm 2020.
Lợi suất thực âm có nghĩa là một nhà đầu tư sẽ mất tiền hàng năm khi mua trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm – được điều chỉnh theo lạm phát, một động lực đã giúp dòng tiền chuyển tiền từ trái phiếu chính phủ Mỹ sang cổ phiếu và các tài sản rủi ro khác.
Lợi suất thực tế của Mỹ đang tăng.
Chỉ số biến động Cboe (VIX), được gọi là “thước đo nỗi sợ hãi” của Phố Wall, đã tăng lên hơn 36 vào đầu tháng 5/2022 so với 20 chỉ vài tuần trước đó. VIX tăng phản ánh việc nhà đầu tư tăng dự đoán về mức độ biến động mạnh mẽ của các thị trường trong thời gian tới.
Rủi ro đang gia tăng.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán trượt dốc, các nhà đầu tư cổ phiếu ngày càng trở nên bi quan hơn. Chỉ báo về mức độ tâm lý bi quan – dự đoán giá cổ phiếu sẽ giảm trong sáu tháng tới – đã tăng mạnh lên 59,4%, theo kết quả cuộc khảo sát mới nhất của Hiệp hội các nhà đầu tư cá nhân nước Mỹ (AAIT). Lần gần đây nhất chỉ báo về mức độ tâm lý bi quan vượt qua mức đó là vào tháng 3 năm 2009, trong cuộc khủng hoảng tài chính.
Chỉ số tâm lý bi quan tăng mạnh.
Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư sa sút như vậy có thể là một chỉ báo tích cực ngược lại đối với cổ phiếu. Theo kết quả cuộc khảo sát mới nhất của AAII, chênh lệch ròng trong giữa ‘phe bò’ (tỷ lệ nhà đầu tư có tâm lý lạc quan) và ‘phe gấu’ (tỷ lệ nhà đầu tư có tâm lý bi quan) đã giảm xuống âm 43 điểm phần trăm, với mức trung bình trong 4 tuần của tháng 4 là âm 29 điểm phần trăm.
Kể từ năm 1987, khi mức chênh lệch trung bình trong 4 tuần dưới mức âm 10 điểm phần trăm thì S&P 500 đã tăng trung bình 15,5% trong 12 tháng tiếp theo, theo RBC Capital Markets.
Chứng khoán diễn biến tốt khi các nhà đầu tư bi quan.
Thật vậy, một số nhà đầu tư cho rằng thị trường chứng khoán có thể chuẩn bị bước vào một đợt phục hồi ngắn hạn, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không có những động thái nằm ngoài dự đoán của thị trường. Trên thực tế, sau cuộc họp của Fed vào tháng 3, S&P 500 đã tăng 8% trong hai tuần sau khi ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, đúng như dự kiến.
Các nhà giao dịch trên thị trường quyền chọn vẫn thận trọng, áp dụng một số biện pháp đảm bảo sự an toàn về mặt tâm lý, bao gồm tỷ lệ thỏa thuận của các hợp đồng mở trên SPDR S&P 500 ETF gần với mức thấp nhất trong vòng mấy năm trở lại đây, theo dữ liệu của Trade Alert. Dự đoán quá mức về triển vọng giá giảm có thể giúp thúc đẩy giá chứng khoán tăng mạnh trở lại nếu tâm lý nhà đầu tư đột ngột đảo chiều.
Walter Todd, giám đốc đầu tư của Greenwood Capital ở Nam Carolina, cho biết: “Tâm lý nhà đầu tư lúc này thực sự tồi tệ … Mọi thứ đang bắt đầu bị bán quá mức và tình trạng này có thể sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn”. Tuy nhiên: “Giả sử Fed sẽ không gây bất ngờ nào lớn cho bạn theo hướng chính sách ‘diều hâu’, bạn có thể thấy chứng khoán bước vào giai đoạn hồi phục mạnh mẽ.”
Trên thực tế, thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và chứng khoán Mỹ nói riêng đã hồi phục mạnh trong phiên cuối tuần qua, sau một tuần đầy biến động – khi hầu hết các chỉ số giảm mạnh khi các nhà đầu tư lo lắng về nguy cơ kinh tế suy thoái.
Chỉ số MSCI toàn cầu phiên gần nhất là 13/5 đã tăng 2,3% so với đóng cửa phiên liền trước, khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2020. Trong đó, chỉ số pan-European STOXX 600 tăng 2,14%; S&P 500 tăng 2,41% lên 4.024,65 điểm, trong khi Nasdaq Composite tăng 3,84% lên 11.807,57. Chỉ số công nghiệp Dow Jones phiên đó cũng tăng 1,47%, lên 32.196,73.
Edward Moya, nhà phân tích của OANDA, cho biết: “Cổ phiếu đã sẵn sàng phục hồi khi một số nhà đầu tư vẫn hy vọng Fed sẽ hạ cánh nhẹ nhàng, trong khi những người khác sẵn sàng mua vào”.
Tham khảo: Refinitiv
https://cafef.vn/nha-dau-tu-chung-khoan-nen-buon-hay-vui-khi-fed-co-nhieu-dot-tang-lai-suat-20220516012219279.chn