Nhà giàu Trung Quốc tìm cách tháo chạy vì không chịu nổi chính sách zero-Covid

Yêu cầu di cư của người Trung Quốc tăng cao do các lệnh phong tỏa khắc nghiệt từ chính sách zero-Covid gây ra tình trạng thiếu lương thực và thuốc men. Nhà giàu Trung Quốc, đặc biệt là giới giàu có, đang tìm cách định cư ở nước ngoài.

Các công ty tư vấn nhập cư Trung Quốc cho biết yêu cầu từ các cá nhân giàu có đang cố gắng rời khỏi đất nước đã tăng lên sau khi Thượng Hải bị đóng cửa. Hiện tượng này nhấn mạnh thái độ thất vọng ngày càng tăng với chiến lược zero-Covid của Bắc Kinh.

Theo hơn chục công ty tư vấn nhập cư, yêu cầu trợ giúp đã tăng mạnh trong tháng này sau sự bùng phát của biến thể Omicron khiến các nhà chức trách phải áp đặt các lệnh phong tỏa nghiêm trọng. Lượng tìm kiếm những từ khóa liên quan cũng tăng chóng mặt, với WeChat ghi nhận mức tăng tới 7 lần cho từ khóa “nhập cư” kể từ đầu tháng 4, theo WeChat Index.

Các nhà tư vấn nhập cư cho biết những khách hàng đã hoãn hoặc hủy kế hoạch di chuyển vì lo ngại nhiễm Covid-19 hoặc ánh mắt kỳ thị ở nước ngoài đã nhanh chóng thay đổi ý định. Ông James Chen, một cố vấn ở Thượng Hải nêu ý kiến: “Các nhà chức trách đang bắt người dân hy sinh quyền cơ bản để chống lại một căn bệnh chẳng nặng hơn cúm mùa là bao. Khách hàng của chúng tôi lựa chọn rời đi”.

Một nhân viên tại QWOS, một công ty dịch vụ nhập cư có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Tôi nhận được rất nhiều câu hỏi trong vài tuần qua và không thể trả lời chúng kịp thời”.

Lucy Wang, chủ một công ty tư vấn nhập cư ở thành phố Tây Nam Thành Đô, cho biết cô đã làm việc 12 giờ một ngày để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng. “Đã lâu rồi tôi chưa phải bận đến mức này”.

Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trong thời gian qua khiến cuộc sống của người dân địa phương bị đảo lộn. Họ rơi vào cảnh thiếu lương thực và thuốc men. Nhiều người chia sẻ chưa bao giờ nghĩ sẽ gặp tình cảnh này ở một thành phố lớn như Thượng Hải.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc bị giam cầm trong nhà nhiều ngày mà không có đủ thức ăn”, Jane Wang, 38 tuổi và là một nhà nghiên cứu tiếp thị ở Thượng Hải, cho biết. Cô đã liên hệ với QWOS, một công ty tư vấn nhập cư có trụ sợ tại thành phố để tìm một nơi ở mới, sau hơn 4 tuần bị cách ly tại nhà.

“Những gì đã xảy ra ở Thượng Hải khiến tôi cảm thấy bất an. Tôi muốn sống ở một nơi mà không cần lo bị cách ly một cách tùy tiện”, cô nói thêm.

John Li, một kỹ sư ở Bắc Kinh, người đã từ bỏ giấc mơ chuyển đến San Francisco và trả cho đại lý 40.000 Rmb ( 6.300 USD) vào tuần trước để có được giấy phép cư trú của Singapore. “Tôi muốn chuyển đến một đất nước nơi người Trung Quốc được tôn trọng.”

Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng các yếu tố như hạn chế đi lại quốc tế và thiếu hụt cơ hội việc làm có thể ngăn cản tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc rời nước.

Tuy nhiên, những lời chỉ trích về các biện pháp nghiêm khắc đã nhanh chóng bị quét sạch trên mạng, Bắc Kinh đã tăng cường các nỗ lực tuyên truyền để gây dựng sự ủng hộ đối với chính sách zero-Covid của mình. Ngày 18/4, chính quyền Thượng Hải (Trung Quốc) công bố ba ca tử vong đầu tiên do COVID-19 sau nhiều tuần phong tỏa toàn thành phố để kiểm soát và ngăn dịch lan rộng.

Thượng Hải báo cáo hơn 350.000 ca mắc COVID-19 kể từ tháng 3 nhưng các chuyên gia y tế nghi ngờ tính xác thực của dữ liệu chính thức.

Dự kiến, tình hình sẽ trở nên tệ hơn trong tháng 4 khi Trung Quốc áp dụng thêm nhiều hạn chế phòng dịch ở nhiều khu vực hơn. Đây là những tin tức xấu đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc sau khi họ đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm nay.

Exit mobile version