Giá đất ở Thủ Thiêm tăng sốc 2,5 tỷ đồng/m2, chuyên gia nói gì?

Giá đất ở Thủ Thiêm tăng sốc 2,5 tỷ đồng/m2, chuyên gia nói gì?

Rất nhiều chuyên gia đã đưa ra nhận định về việc giá đất Thủ Thiêm tăng sốc lên 2,5 tỷ đồng/m2. Nhìn chung, họ đều cho rằng nó ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản.

Giá đất tăng sốc làm thay đổi khái niệm trung tâm TP.HCM?

Đích thân Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng là người tham gia phiên đấu giá đất ngày 10/12. Kết thúc phiên đấu giá lô đất 3-12, phần thắng thuộc về Công ty Ngôi Sao Việt với mức giá là 24.500 tỷ đồng. Sô với giá khởi điểm nó đã gấp 8 lần. Như vậy, mức giá bình quân tập đoàn Tân Hoàng Minh trả cho lô đất này lên tới hơn 2,4 tỷ đồng/m2.

Theo tìm hiểu, lô đất ký hiệu 3-12 thuộc một phần thửa số 2, tờ bản đồ số 64, bộ địa chính phường An Khánh, quận 2 (nay là phường Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức) xác định tại bản đồ vị trí số 8503-3-9/GĐ-TNMT được Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM phê duyệt ngày 9/12/2019.

Trung tâm Dịch vụ Đấu giá Tài sản cho biết, mục đích sử dụng của lô đất mà ông chủ Tân Hoàng Minh vừa đấu giá thành công là đất ở tại đô thị có kết hợp chức năng thương mại – dịch vụ. Lô đất có thời hạn sử dụng là 50 năm đối với nhà đầu tư, tính từ thời điểm kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất được công nhận. Trong khi đó, người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất thì được sử dụng đất ổn định lâu dài.

Xem thêm: Những điều chưa biết về lô đất vàng Thủ Thiêm vừa bán giá 2,4 tỷ/m2

Sau cuộc đấu giá, quả thực, Tân Hoàng Minh đã “gây sóng” trong giới bất động sản. Và tất nhiên, có rất nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến mức giá đất ở Thủ Thiêm. Trong đó, nhiều chuyên gia đưa quan điểm rằng, kết quả đấu giá sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản thời gian tới.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng, kết thúc phiên đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm vào ngày 10/12, khái niệm trung tâm TP.HCM đã chính thức thay đổi.

Ông Đỗ Anh Dũng, đại diện Công ty Ngôi Sao Việt trúng đấu giá lô đất 3-12. (Ảnh: Trà Giang/Vietnamnet)

Theo ông Châu, trước đây, khu trung tâm là địa bàn quận 1. Lõi trung tâm bị giới hạn bởi bán kính khá hẹp quanh các trục đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi – đây là những địa điểm luôn có giá đất cao nhất trên thị trường và cao nhất trong bảng giá đất do thành phố công bố. Sau phiên đấu giá, giá đất dọc đại lộ vòng cung trên bán đảo Thủ Thiêm vượt qua giá đất 3 tuyến đường cao nhất quận 1. Đồng nghĩa với việc, khái niệm trung tâm TP.HCM được định vị lại theo hướng mở rộng ra 2 bờ sông Sài Gòn.

Ông Châu cho rằng, kết quả của cuộc đấu giá đất tại Thủ Thiêm đã tăng gấp 8 lần so với thời điểm chào bán. Điều này sẽ tác động đến tất cả phân khúc nhà ở trên thị trường theo quy tắc bình thông nhau. Trước mắt, một mặt bằng giá mới sẽ được lập ra đối với giá bất động sản hạng sang và siêu sang. Tiếp đó, giá bán các phân khúc bất động sản cao- trung cấp cũng sẽ leo thang. Nhưng, bị ảnh hưởng nặng nhất là phân khúc nhà thương mại giá rẻ cũng như các kế hoạch bình ổn thị trường nhà giá thấp. Bởi, giá đất tăng cao thì chi phí đầu vào của các dự án nhà ở sẽ bị đội lên.

Như ông Châu nói, giá đất tăng kỷ lục có thể khiến thị trường phân hóa mạnh, bỏ trống phân khúc nhà bình dân để chuyển sang nhà giá cao, tối ưu hóa lợi nhuận.

Trong khi đó, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa bày tỏ quan ngại, việc giá đất tăng sốc gây áp lực lớn cho thị trường đầu tư. Xây loại hình bất động sản nào? khai thác, sử dụng như nào? Bán cho ai?… trở thành bài toán hóc búa khi quỹ đất lên đến hàng tỷ đồng/m2.

Tân Hoàng Minh kích giá thị trường bất động sản kiểu tăng giá ảo?

Về câu chuyện giá đất Thủ Thiêm được đấu giá lên tới 2,5 tỷ đồng/m2, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đất ở khu Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi là đắt nhất bởi được coi là trung tâm thương mại của TP.HCM. Vì thế, “Nếu Thủ Thiêm đắt gấp đôi và đối chiếu với quy luật giá trị, đúng là có nhiều bất thường”.

Theo GS Đặng Hùng Võ, động thái của Tập đoàn Tân Hoàng Minh có khả năng nhằm kích giá thị trường bất động sản, nhưng theo kiểu tăng giá ảo. Tuy nhiên, ông cho rằng, phải chờ xem tập đoàn Tân Hoàng Minh nộp đủ tiền mua tài sản hay không mới có thể kết luận được.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Ảnh: Zing).

Về luồng dư luận Tân Hoàng Minh trả giá đất ở Thủ Thiêm cao để đánh bóng tên tuổi, GS Đặng Hùng Võ không nghiêng về quan điểm này. Ông cho rằng, Tân Hoàng Minh hiện được đánh giá là một nhà đầu tư có tiềm năng. Bởi vậy, nếu không thanh toán được tiền trúng đấu giá, uy tín của tập đoàn này chắc chắn bị ảnh hưởng.

Dù rằng trước đó, Tân Hoàng Minh năm 2015 từng trúng giá lô đất vàng ở 23 Lê Duẩn thuộc quận 1, TP.HCM với diện tích 3.000 m2, giá 1.430 tỷ đồng nhưng sau đó đã yêu cầu hủy kết quả, không nộp tiền trúng đấu giá. Sau đó, vào tháng 6/2016, tập đoàn này lại gửi văn bản đến UBND TP.HCM đề nghị tiếp tục được mua khu đất này. Tập đoàn đã bị phạt tiền trễ hạn hơn 260 tỷ đồng.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version