Đi ngược xu hướng toàn cầu, Nhật Bản tung ra kế hoạch kích thích kinh tế kỷ lục

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản sẽ công bố một kế hoạch kích thích kinh tế kỷ lục 55,7 nghìn tỷ yên (tương đương 488 tỷ USD) để giảm bớt tác động của đại dịch đến kinh tế. Tuy nhiên, chính sách này đi ngược lại với xu hướng hiện nay của các kế hoạch toàn cầu là rút các biện pháp kích thích kinh tế.

Các nhà phân tích cho rằng một loạt kế hoạch chi tiêu ở Nhật Bản đã tăng mạnh, bao gồm cả những khoản chi không liên quan đến dịch bệnh, chẳng hạn như phát hành tiền mặt cho thanh thiếu niên từ 18 tuổi trở xuống.

Thủ tướng Kishida Fumio công bố kế hoạch kích thích kinh tế kỷ lục

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio 

Khoản chi lớn nhấn mạnh quyết tâm của Thủ tướng mới của Nhật Bản Kishida Fumio – người từng được cho là sẽ ủng hộ chính sách thắt lưng buộc bụng – tập trung vào việc phục hồi nền kinh tế và phân phối lại của cải hộ gia đình.

Nhà phân tích James Brady của Teneo cho biết, “Mặc dù trước đây Kishida Fumio được biết đến là một người theo khuynh hướng diều hâu, nhưng có vẻ như ông ấy sẽ tiếp tục mô hình Abenomics (cách gọi để chỉ chương trình kinh tế đa hướng của cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe) trong một vài năm nữa.”

Theo báo cáo của Nihon Keizai Shimbun, kế hoạch kích thích kinh tế mới sẽ bao gồm mức chi tiêu kỷ lục 55,7 nghìn tỷ yên, cao hơn nhiều so với ước tính thị trường là 30 – 40 nghìn tỷ yên. Quy mô chi tiêu này cũng sẽ vượt quá hai kế hoạch kích cầu quy mô lớn được lập năm ngoái. Trước ông Kishida, hai cựu thủ tướng Abe Shinzo và Suga Yoshihide đều đã lần lượt bơm 38.000 tỉ yên và 40.000 tỉ yên vào nền kinh tế của Nhật trong năm 2020.

Theo báo cáo, quy mô tổng thể của gói kích cầu có thể lên tới 78,9 nghìn tỷ yên, bao gồm các quỹ không dẫn đến các khoản chi tiêu ngay lập tức.

Theo Asahi Shimbun, Kishida Fumio đã chuẩn bị một khoản ngân sách bổ sung, dự kiến ​​khoảng 32 nghìn tỷ yên. Ngoài việc phát hành trái phiếu, chính phủ cũng sẽ sử dụng 4,5 nghìn tỷ yên dự trữ cho các khoản chi khẩn cấp cho dịch bệnh.

Ông Kishida Fumio cho biết trong một cuộc họp báo truyền hình trực tiếp rằng khoản ngân sách bổ sung khổng lồ này “sẽ mang lại cảm giác an toàn và hy vọng cho người dân Nhật Bản.” Kế hoạch kích cầu này dự kiến ​​sẽ được nội các Nhật Bản thông qua vào cuối ngày hôm nay.

Suy thoái kinh tế buộc chính phủ Nhật phải tăng cường kích thích

Nhật Bản tụt hậu so với nhiều nước phát triển khác trong việc thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra, điều này buộc các nhà hoạch định chính sách phải duy trì hỗ trợ chính sách tài khóa và tiền tệ quy mô lớn trong khi các nước phát triển khác đang cân nhắc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ.

Các nhà hoạch định chính sách hy vọng rằng kế hoạch chi tiêu mới sẽ giúp hỗ trợ nền kinh tế. Do nguồn cung toàn cầu bị gián đoạn và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Nhật bản đã hạn chế xuất khẩu và tiêu dùng, khiến nền kinh tế Nhật Bản thu hẹp nhiều hơn so với dự kiến ​​trong quý III.

Trong hầu hết quý III, các thành phố lớn ở Nhật Bản luôn trong tình trạng khẩn cấp vì dịch bệnh, bao gồm cả trong Thế vận hội mùa hè ở Tokyo từ ngày 23/7 đến ngày 8/8. Thế vận hội không thúc đẩy được lượng tiêu thụ như mong đợi, do hầu hết các sự kiện đều cấm khán giả vào sân.

Theo thống kê sơ bộ do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố gần đây, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản đã giảm 3,0% hàng năm trong quý III năm nay. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm tài chính 2021.

Vào ngày 10 /11, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã đưa ra một báo cáo cho biết sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản đang đối mặt với tình hình nghiêm trọng, ngành dịch vụ trì trệ, xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đang chậm lại do hạn chế về nguồn cung ở nước ngoài. Do đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã hạ dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Nhật Bản cho năm tài chính 2021 xuống 3,4% so với mức 3,8% trước đó.

Ngoài ra, các công ty Nhật Bản vẫn đang đối mặt với nguy cơ tắc nghẽn nguồn cung như chi phí hàng hóa tăng cao và tình trạng thiếu chip toàn cầu, có thể làm suy yếu triển vọng kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn.

Về sự phục hồi kinh tế trong tương lai của Nhật Bản, kỳ vọng của các tổ chức quốc tế nhìn chung là bi quan.

Vào tháng 6 năm nay, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo “Triển vọng Kinh tế Toàn cầu”, dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm nay là 2,9%. Vào tháng 10, “Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới” do Quỹ Tiền tệ Quốc tế phát hành đã điều chỉnh dự báo kinh tế Nhật Bản năm nay tăng trưởng 2,4%.

Exit mobile version