Hỗ trợ ngành sản xuất chip, Nhật Bản đầu tư hơn 5 tỷ USD

Hỗ trợ ngành sản xuất chip, Nhật Bản đầu tư hơn 5 tỷ USD

Để hỗ trợ các nhà sản xuất chip cao cấp trong thời gian tới, Nhật Bản có kế hoạch phân bố 600 tỷ Yên (khoảng 5,2 tỷ USD) từ ngân sách tài khóa bổ sung năm 2022.

Các công ty sản xuất chip nhận hỗ trợ phải cam kết tăng sản lượng

Nguồn tin này được Nikkei Asia thông tin. Kế hoạch này nằm trong chiến lược để đảm bảo ổn định nguồn cung chip nội địa Nhật.

Theo đó, một khoản tiền khoảng 400 tỷ Yên sẽ được Chính phủ Nhật Bản đầu tư vào nhà máy mới của một nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới là Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) tại tỉnh Kumamoto, thuộc phía Tây Nam Nhật Bản. Số tiền 200 tỷ Yên còn lại được đầu tư vào các dự án của một số công ty có thể kể tên như: Hãng chip nhớ Micron Technology (Mỹ), hãng Kioxia Holdings (Nhật). Trong chương trình này, công ty nhận hỗ trợ phải cam kết tăng sản lượng khi thiếu nguồn cung.

Được biết, hãng Micron hiện đã mua lại một cơ sở sản xuất tại tỉnh Hiroshima, nằm ở phía Tây Nhật Bản. Hãng này cũng đang đàm phán với chính phủ nhiều nước, gồm cả Nhật Bản với mục đích đầu tư sản xuất loại chip nhớ cao cấp.

Kioxia ngoài việc đã sở hữu một nhà máy sản xuất chip nhớ NAND tại Nhật Bản còn đang xây dựng một nhà máy mới tại TP.Yokkaichi, thuộc tỉnh Mie. Theo dự kiến, nhà máy này sẽ đưa vào hoạt động đầu năm 2022. Kioxia ngoài ra còn đang lên kế hoạch, năm sau xây dựng thêm một nhà máy tại thành phố Kitakami của tỉnh Iwate. Dự kiến nhà máy này bắt đầu sản xuất vào năm 2023.

Nhật Bản sẽ đầu tư vào một nhà máy mới của nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) tại tỉnh Kumamoto, thuộc phía Tây Nam Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khi trả lời phỏng vấn Nikkei Asia cho biết, dù TSMC là công ty hàng đầu, cần phải mở rộng nhiều lựa chọn trong khu vực tư nhân, như thu hút cả những nhà sản xuất chip của Mỹ.

Quá trình số hóa ngày càng tăng tốc, việc đầu tư vào các trung tâm dữ liệu cũng ngày càng nhiều.Vì thế, theo dự báo, nhu cầu chip nhớ sẽ tăng trong dài trung và dài hạn. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản trong chương trình kích thích tăng trưởng ngành bán dẫn đã nhấn mạnh: “Việc đảm bảo nguồn cung cấp chất bán dẫn cao cấp ổn định là vấn đề bảo mật quan trọng nhất”.

Ở các quốc gia khác như Mỹ, trong bối cảnh chuỗi cung ứng bán dẫn đang tập trung tại khu vực châu Á mà Mỹ lại xem đây là vấn đề quan trọng với an ninh quốc gia nên chính quyền của ông Biden đang muốn đưa hoạt động sản xuất chip trở lại Mỹ. Được biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi đầu tư 50 tỷ USD vào hoạt động này tại Mỹ.

Dự báo về tình hình khan hiếm chip trên thế giới

Về nhu cầu linh kiện bán dẫn toàn cầu trong năm 2022, WSTS – Tổ chức phi lợi nhuận World Semiconductor Trade Statistics vừa có công bố dự báo mới nhất. Theo dự báo này, trong năm tới, nhu cầu chip điện tử toàn cầu tăng 8,8%, lên mức cao kỷ lục. Dù trong năm nay, mức tăng kỷ lục là 25,6%.

Theo WSTS, vào năm 2022, thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ đạt tới con số 601,49 tỷ USD, sau khi đạt mức dự báo 552,96 tỷ USD năm 2021.

Vào năm 2022, Châu Mỹ được dự báo sẽ dẫn đầu về tăng trưởng nhu cầu chip điện tử toàn cầu, mức tăng là 10,3%. Nhật Bản được dự báo là xếp thứ 2 với 9.3%. Tiếp đó là khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) với 8,4%. Châu Âu xếp cuối cùng ở mức 7,1%.

Thời kỳ dịch bệnh, con người chuyển đổi sang hình thức học tập, làm việc trực tuyến và giải trí tại nhà nên nhu cầu chip nhớ của ngành sản xuất máy tính bàn, xách tay, máy chơi game, các thiết bị Wi-Fi… tăng cao.

Đến nay, kinh tế của các nước bắt đầu mở cửa trở lại và phục hồi từng bước sau đại dịch thì nhu cầu chip điện tử của một số ngành như: Sản xuất ôtô, các sản phẩm công nghiệp bắt đầu tăng trở lại và tiếp tục tăng cao hơn nữa, nguồn cung chip càng đòi hỏi phải dồi dào hơn nữa.

Theo ông Pat Gelsinger – Giám đốc điều hành hãng sản xuất chip Intel Corp. (Mỹ), tình trạng thiếu linh kiện bán dẫn có thể sẽ kéo dài trong vài năm nữa trên toàn cầu.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version