Cân nhắc giảm thuế BVMT với nhiên liệu bay còn 1.000 đồng/lít

Cân nhắc giảm thuế BVMT với nhiên liệu bay còn 1.000 đồng/lít

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường còn 1.000 đồng/lít với nhiên liệu bay vào năm 2022.

VCCI đề nghị cân nhắc giảm thuế BVMT còn 1.000 đồng/lít với nhiên liệu bay

Liên quan đến việc góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay của Bộ Tài chính về việc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có những phản hồi về vấn đề này.

Từ phản ánh từ các doanh nghiệp, hiệp hội cũng như việc tự phân tích, đánh giá, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc đề xuất giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay còn 1.000 đồng/lít trong năm 2022.

VCCI cho rằng, trong năm 2021, dịch bệnh COVID-19 với diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến ngành hàng không. Đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay được đánh giá là rất cần thiết để kịp thời hỗ trợ cho ngành hàng không phục hồi sau đại dịch.

Dự thảo đề xuất giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, còn 1.500 đồng/lít (quy định tại Nghị quyết 57/2018/UBTVQH14 là 3.000 đồng/lít). Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho ngành hàng không cần mạnh mẽ hơn. Cụ thể, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay cần được điều chỉnh xuống còn 1.000 đồng/lít (áp dụng trong năm 2022).

Lý do bởi, 2 năm vừa qua, ngành hàng không bị tác động mạnh bởi dịch bênh COVID-19. Trong đó, năm sau còn nặng hơn năm trước. Số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho thấy, năm 2021, doanh thu của các hãng sụt giảm nghiêm trọng so với năm 2020. Nếu so với năm 2019, mức sụt giảm này có thể lên đến hơn 65%.

Trong khi đó, các hãng hàng không thiết hụt nghiêm trọng dòng tiền hoạt động. Nợ ngắn hạn, nợ đến hạn phải trả của các hãng hàng không lên tới 50.000 tỷ đồng.

Một khía cạnh khác, sự xuất hiện của biến chủng mới khiến cho việc phục hồi nền kinh tế, đi lại bằng đường hàng không còn nhiều bất định. Bởi thế, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ nhưng phải ở mức cao sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, ngành hàng không có thể gắng gượng cũng như tạo đà hồi phục.

VCCI từ đó đề nghị cân nhắc giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay còn 1.000 đồng/lít, áp dụng cho năm 2022.

Tăng mức giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay là cần thiết

Thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay là khoản thu khi sử dụng nhiên liệu bay. Theo quy định hiện hành, thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay bằng mức trần trong khung thuế là 3.000 đồng/lít. Từ tháng 8/2020 đến hết năm 2021, mức thuế này được giảm 30%, ở mức 2.100 đồng/lít. Theo Bộ Tài Chính chia sẻ, việc đề xuất tăng mức giảm thuế từ 30% lên 50% nhằm hỗ trợ hơn nữa cho ngành hàng không.

Chính sách giảm thuế được đánh giá là chưa phát huy hết mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Lý do bởi, giai đoạn đó, các doanh nghiệp vận tải hàng không hạn chế hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có lúc gần như đóng băng.

Báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho thấy, từ đầu tháng 5 đến nay, gần như 100% chuyến bay chở khách trong nước và quốc tế đóng băng. Năm 2020, doanh thu của các hãng hàng không Việt Nam giảm 60%. Năm 2021 dự kiến sẽ tiếp tục giảm thêm. Số lỗ của năm 2021 sẽ lớn hơn mức 16.000 tỷ đồng của năm 2020. Theo dự kiến, số tiền nộp ngân sách sẽ giảm 10.000 tỷ đồng.

Việc tiếp tục giảm thuế nhiên liệu bay trong năm 2022 được cho là cần thiết để hỗ trợ ngành hàng không ở giai đoạn bình thường mới.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version