Nhiều đơn vị kinh doanh xăng dầu ngừng bán: Thông tin mới

9.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu gửi đơn kiến nghị khẩn

Nguồn cung xăng dầu khan hiếm được cho là một trong những nguyên nhân khiến cho một số đơn vị kinh doanh xăng dầu phải đóng cửa.

Doanh nghiệp than càng bán càng… lỗ

Thông tin trên báo Dân Trí, tại Hà Nội, ngày 7/2, hầu hết các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn vẫn duy trì hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, một số cửa hàng lại hạn chế số lượng bán.

Giám đốc một công ty phân phối xăng dầu tên M. than thở về việc các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hiện đang phải nhập xăng dầu với giá nhập bằng giá bán. Bởi thế, sau khi trừ hết các chi phí thì doanh nghiệp bị lỗ.

Theo ông M., doanh nghiệp của ông nhập xăng dầu của Pv Oil. Từ 8/2, mức chiết khấu đối với vùng 1 vào khoảng 20 đồng/lít; chi phí vận tải khoảng 230 đồng/lít. Đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp càng bán càng lỗ. 

Một doanh nghiệp khác thì cho biết, đến nay chưa có bất cứ thông báo nào về sản lượng có thể cung cấp đến các doanh nghiệp để chủ động trong hoạt động kinh doanh. Trong khi trước đó, hàng tháng, từ ngày 25 đến 28, các nhà máy lọc dầu sẽ công bố thông tin này.

Tại khu vực phía Nam, số lượng cửa hàng xăng dầu thông báo nghỉ bán nhiều hơn. Thông tin từ Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM – Nguyễn Tiến Đạt, đến thời điểm báo cáo, có 548 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vẫn đang kinh doanh bình thường.

Tuy nhiên, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, tại địa chỉ số 1 đường Hồ Học Lãm, phường 16, quận 8, TP.HCM, cửa hàng xăng dầu Phú Định K26 kéo rào, không bán lẻ xăng cho khách vãng lai. Quản lý cửa hàng cho hay, bồn chứa xăng hiện còn ít và chỉ đủ cung cấp cho các xe có ký hợp đồng với đơn vị. Bởi vậy, đơn vị kinh doanh này phải kéo rào, không bán cho khách vãng lai.

Hay như Công ty TNHH TMDV Biên Khoa ở số 69/10X Phạm Văn Chiêu, phường 14, Quận Gò Vấp, TP.HCM cũng đã ngưng kinh doanh xăng và hiện chỉ bán dầu. Nguyên nhân do nguồn cung hạn chế, xăng về chậm.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết đơn vị đã phối hợp với phía Sở Công Thương TP.HCM để nắm tình hình về cung ứng xăng dầu những ngày qua. Theo ông Đạt, trong khi nguồn cung ứng xăng bị hạn chế thì chiết khấu bán hàng cũng gần như không còn. Vì thế, việc bán lẻ xăng dầu bị lỗ. Ngoài ra, phản ánh của các thương nhân phân phối xăng dầu cho thấy đang gặp khó khăn trong việc mua xăng để cung ứng cho đại lý hoặc thương nhân nhận quyền.

Sáng 8/2, bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì cuộc họp với sự tham dự của Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cùng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Theo đánh giá,  nguồn cung ứng xăng dầu và tình hình tình hình kinh doanh trên địa bàn vẫn ổn định. Tại cuộc họp còn trao đổi về các giải pháp hướng tới sự ổn định hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP thời gian tới.

Không chỉ ở TP.HCM, Cục Quản lý thị trường An Giang cũng có báo cáo nhanh về việc hàng loạt cửa hàng xăng dầu trên địa bàn này phải đóng cửa, nghỉ bán vì thiếu nguồn cung hoặc lỗ.

Bộ Công Thương nói gì?

Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường thông tin về việc đơn vị này đã có kế hoạch kiểm tra đột xuất các đơn vị kinh doanh có dấu hiệu, hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu và khẳng định tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát thị trường.

Ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, hiện nay, nhà máy Lọc hóa dầu Nghi cung ứng khoảng 30-35% thị phần xăng dầu tại Việt Nam. Nhà máy này thay đổi trong hoạt động thì chắc chắn ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước, dẫn đến nguồn cung xăng dầu phục vụ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Tại cuộc họp với Phó thủ tướng Lê Văn Thành vào chiều 8/2, ông Hải cho hay, những vướng mắc trước mắt của nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn hiện đã được tháo gỡ. Theo đó  từ giữa tháng 2, nhà máy sẽ dần khôi phục lại sản xuất như bình thường. Giai đoạn trước Tết, Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn đã nâng công suất lên 103%. Từ ngày 7/2/2022, nhà máy cũng đã nâng công suất lên 105%.

Ông Hải cho biết Bộ Công Thương trước đó đã có văn bản và liên hệ trực tiếp với một số đầu mối kinh doanh xăng dầu, đặc biệt những doanh nghiệp có thị trường lớn như Petrolimex, PVOil… để có sự phối hợp chỉ đạo, phải chủ động tìm nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng không chỉ phục vụ nhu cầu đời sống của người dân mà còn phục vụ nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Đánh giá xăng dầu là mặt hàng chiến lược quan trọng, tác động lớn đến đời sống và nền kinh tế, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nói rằng nó phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ. Ông cũng nhấn mạnh, tuyệt đối không để thiếu xăng dầu trong mọi hoàn cảnh và yêu cầu Bộ Công Thương phải thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý mặt hàng xăng dầu.

Exit mobile version