Bộ Lao động – Thương binh và xã hội vừa cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp và người lao động trở lại làm việc hiện nay là 70-75%, đặc biệt, con số này ở nhiều địa phương còn lên đến trên 90%.
Một loạt giải pháp được triển khai
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương trọng điểm bàn về phương hướng, giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động.
Trong cuộc họp, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất TPHCM cho biết, ghi nhận đến ngày 30/10, tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất làm việc trở lại là 1.430/1.500 doanh nghiệp, chiếm 95,33% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn.
Song song đó, tỷ lệ lao động quay lại làm việc cũng đạt 256.356 người, chiếm 76,3% tổng số lao động so với giai đoạn trước dịch COVID-19.
Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất TPHCM cho biết thêm, do các doanh nghiệp vẫn đang từng bước thích ứng theo những tiêu chí sản xuất an toàn của thành phố, vì vậy các xí nghiệp, nhà máy vẫn chưa trở lại sản xuất hoàn toàn mà phổ biến mới đạt 50-70%.
Thống kê tại tỉnh Bình Dương hiện có 4.504 doanh nghiệp đã đăng ký và hoạt động sản xuất theo phương án “ba xanh”, “một cung đường hai điểm đến”, “ba tại chỗ” với tổng số lao động trở lại làm việc trên 724.000 người.
Với cơ chế khai thông, thuận tiện về đăng ký phương án đi lại, hoạt động sản xuất của người lao động, dự kiến trong thời gian tới, bắt đầu từ giữa tháng 11, số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, sản xuất trở lại sẽ đạt trên 80%.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, để phục hồi thị trường lao động, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp như: Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người lao động; tiếp tục khảo sát, nắm bắt tình hình của người lao động, người dân thực sự khó khăn, cần sự giúp đỡ do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, để có chính sách hỗ trợ tăng cường nhằm sớm ổn định cuộc sống; triển khai những giải pháp về kết nối cung – cầu lao động.
Tăng cường chính sách giữ chân người lao động
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chia sẻ, sau hơn một tháng dừng việc giãn cách xã hội, các địa phương trở lại “trạng thái bình thường mới” trên tiêu chí an toàn, thích ứng linh hoạt, hiệu quả. Nhìn chung, đã có 70-75% người lao động và doanh nghiệp làm việc trở lại, một số địa phương còn đạt tỉ lệ lao động trở lại trên 90%.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nói:
“Các địa phương, khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp cũng đều tự nhận định rằng, nếu như tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định như hiện tại, thêm vào đó tiến độ triển khai tiêm vaccine được đẩy nhanh hơn, diện bao phủ rộng hơn, thì có khả năng trong cuối quý I, đầu quý II năm 2022 tình hình lao động, việc làm của các địa phương sẽ được khôi phục lại như trước thời điểm bùng phát dịch”.
Bàn về vấn đề người lao động, người dân di chuyển từ các thành phố lớn về quê, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, lượng người đổ về các địa phương tương đối lớn, tuy nhiên tập trung chủ yếu vào khu vực lao động tự do, lao động phi chính thức.
Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải đồng thời tiếp nhận người dân về quê, bên cạnh đó, cần có những chính sách tạo điều kiện để thu hút người lao động quay trở lại làm việc tại thành phố, cũng như chính sách chăm lo, tạo công ăn việc làm cho người lao động có nguyện vọng làm việc ở lại địa phương.
Đối với lao động làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động chính thức trong khu vực FDI, Bộ trưởng nhận định, về cơ bản đã giữ chân được người lao động khi các doanh nghiệp đã sớm nhận được sự cảnh báo.
Qua đó, doanh nghiệp chọn phương án hoạt động một các linh hoạt, đồng thời có chính sách hợp lý để giữ chân người lao động, thông qua hoạt động giữ liên lạc thường xuyên, giữ mối quan hệ và hỗ trợ một phần cho những người lao động tạm dừng công việc.